Ở NƠI THƯỢNG NGUỒN
Sông Bé là con sông lớn nhất Bình Phước, xuất phát từ 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập chảy qua thị xã Phước Long và các huyện, thị xã Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng Xoài, Chơn Thành và Đồng Phú. Phần hạ lưu sông Bé đi qua một số huyện của tỉnh Bình Dương rồi nhập vào sông Đồng Nai. Sông Bé có các nhánh sông đổ vào là Đắk Lung, Đắk Glắk. Hai sông này bắt nguồn từ Tây Nguyên và sông Đắk Quýt từ Vương quốc Campuchia. Hiện nay, giá trị kinh tế lớn nhất của sông Bé là thủy điện, thủy lợi và thủy sản.
Để tiếp cận thượng nguồn sông Bé, từ thị xã Đồng Xoài chúng tôi đi theo tuyến đường ĐT741 lên thị xã Phước Long. Sau đó, theo đường vào Thác Mẹ hoặc qua cầu Đắk Lung để tới thượng nguồn sông Bé.
NGÃ BA BÒ LÚC KẾT
Sau khi hồ thủy điện Thác Mơ tích nước, để đến được ngã ba Bò Lúc Kết chúng tôi phải đi bằng đường thủy. Đến khu Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) là xóm “Việt kiều Campuchia” và xóm “miền Tây” sống bằng nghề đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ, khi trời đã xế trưa. Thấy người lạ, mọi con mắt đổ dồn về phía chúng tôi. Trước hiên nhà cấp 4 nằm sát đường vào thôn có mấy người tuổi trung niên đang ngồi nhậu lai rai. Ghé vào hỏi thuê thuyền, chúng tôi được đón tiếp nồng nhiệt. “Chú muốn thuê thuyền thì làm vài ly với anh em rồi đi đâu tôi chở đi” - chủ nhà Huỳnh Văn Cát, sống trên lòng hồ từ năm 1996, mời chào.
Anh Cát chở chúng tôi trên chiếc ghe đóng bằng gỗ rất đơn sơ, nước tràn nhiều nơi ở khoang đáy. Ghe rời bến khoảng 10 phút, anh Cát chứng minh cho chúng tôi thấy mình là người am hiểu nhất vùng sông nước này. Tay chỉ đến đâu, anh Cát giải thích đến đó, nào là lối về thôn Bàu Nghé (xã Phước Tín, thị xã Phước Long), hướng về xã Phú Văn (Bù Gia Mập), hướng kia về các xã Đức Liễu, Bom Bo, Bình Minh (Bù Đăng)... Rồi những đồi chim, đồi móc, đồi chuối... dọc 2 bên bờ sông cũng được anh giới thiệu tận tường.
Đi tắm chiều thượng nguồn sông Bé
Đi khoảng 1 giờ chúng tôi đến ngã ba Bò Lúc Kết. Người dân ở đây cho biết, khi chưa xây dựng thủy điện Thác Mơ thì đến ngã ba này bằng đường bộ. Thủy điện ngăn dòng và tích nước, ngã ba Bò Lúc Kết là tâm của lòng hồ nên nước không còn chảy dữ dội như xưa. Anh Cát cho biết, sở dĩ có tên Bò Lúc Kết vì trước đây người dân đi ghe đến gần ngã ba này thì ghe lắc lư như người ngồi trên lưng bò.
Từ trung tâm lòng hồ thủy điện Thác Mơ, chúng tôi có thể đi bằng đường sông theo 5 hướng. Đi về hướng nam, mất gần 3 giờ chạy ghe sẽ đến xã Đức Liễu. Theo giới thiệu của anh Cát, nếu ngược sông Đắk Lung khoảng 1 giờ sẽ gặp suối nước lạnh và thác Liên. Vừa nghe tên địa danh, chúng tôi hình dung sẽ được tận hưởng dòng suối mát lạnh giữa buổi trưa oi bức, ngắm thác nước đổ từ trên cao xuống bọt tung trắng xóa. Tuy nhiên, suối nước lạnh, thác Liên đã bị nước thủy điện nhấn chìm không còn nữa mà chỉ tồn tại trong ký ức của người dân nơi đây.
KHÁM PHÁ LÒNG SÔNG BÉ
Đứng trên núi Bà Rá (Phước Long) chúng tôi phóng tầm mắt về phía thượng nguồn sông Bé, nơi khởi nguồn từ ngã ba Bò Lúc Kết, điểm hợp nhau của 2 con sông Đắk Lung và Đắk Glắk. Từ thượng nguồn, sông Bé chia thành hai nhánh chảy qua địa phận 2 phường Long Thủy, Thác Mơ hợp lại ở đoạn dưới cầu Đắk Lung khoảng 500m rồi chảy tiếp sang địa phận huyện Bù Gia Mập. Nơi sông Bé chảy qua, đoạn thuộc thị xã Phước Long có một số địa danh khá nổi tiếng như Thác Mẹ, Suối Đá. Sở dĩ tên gọi Thác Mẹ vì dưới chân núi Bà Rá có đặt tượng đức Mẹ Vô Nhiễm được dựng năm 1960, theo hướng nhìn về dòng sông Bé. Sau này, khu tượng thờ đức Mẹ Vô Nhiễm được lấy làm trung tâm hành hương giáo phận Buôn Ma Thuật. Từ Thác Mẹ xuôi theo dòng sông Bé khoảng 1km sẽ gặp địa danh Suối Đá.
Vẻ đẹp hoang sơ ở thượng nguồn sông Bé
Từ khi ngăn dòng làm thủy điện Thác Mơ, nước trên sông Bé đoạn chảy dưới chân núi Bà Rá không còn hùng vĩ như xưa. Thác Mẹ ngày trước tung bọt trắng xóa, nay cạn kiệt vào mùa khô và chỉ róc rách chảy vào mùa mưa. Chính vì vậy, sông Bé đoạn qua thị xã Phước Long cạn trơ đáy nên người dân có thể thong dong tản bộ dưới lòng sông.
Tháng 9 ở miền Đông Nam bộ đang là mùa mưa, chúng tôi khoác ba lô lên đường ngược xuôi dòng sông Bé. Những khối đá khổng lồ bị nước bào mòn để lộ bề mặt nhẵn bóng. Từ đập tràn, đi bộ 3km là đến cửa xả thủy điện Thác Mơ. Suốt quãng đường, chúng tôi bắt gặp nhiều tuyệt tác mà thiên nhiên đã tạo ra. Đó là “giếng trời” trong lòng đá như những mũi khoan sâu vào lòng đất. Đây là dấu tích của dòng nước hàng vạn năm chảy “đá núi cũng phải mòn” mà tạo nên. Không ít khối đá có hình lăng trụ, xếp chồng lên nhau, giống như Ghềnh Đá Dĩa - một trong những thắng cảnh đẹp ở Phú Yên, tuy ở đây số lượng đá ít hơn. Dưới lòng sông có hàng chục hốc nước có bề mặt từ 10-50m2 với các tên gọi mỹ miều như hồ Con Rùa, Mắt Trời... Đây là những “hồ bơi” lý tưởng dành cho người dân địa phương hoặc các đoàn dã ngoại tắm mát. Tận dụng vẻ đẹp thơ mộng của lòng sông Bé, những đôi tình nhân thường đến đây tâm sự, chụp hình lưu niệm, hình cưới. Cũng nhờ vẻ đẹp này, nhiều người đã dựng quán cà phê làm điểm dừng chân cho du khách sau khi tham quan núi Bà Rá...
GIÁ TRỊ KINH TẾ
Thượng nguồn sông Bé được ngăn dòng làm công trình thủy điện Thác Mơ năm 1991 và tích nước hồ chứa lần đầu vào ngày 17-1-1995. Nhà máy thủy điện Thác Mơ phát điện Tổ máy số 1 tháng 1-1995, Tổ máy số 2 tháng 4-1995 và ngày 30-4-1995 hoàn thành toàn bộ công trình.
Thủy điện Thác Mơ nằm trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận 2 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long, sản xuất cho hệ thống điện miền Nam giai đoạn 1995-2000 và đến nay đã hòa vào lưới điện quốc gia. Công suất lắp máy của thủy điện Thác Mơ là 150MW, công suất đảm bảo 50-55MW, điện lượng trung bình hằng năm khoảng 600 triệu kWh. Vừa qua, Nhà máy thủy điện Thác Mơ được mở rộng, nâng công suất nhà máy từ 150MW lên 225MW, hòa vào lưới điện quốc gia 52 triệu kWh mỗi năm. Nhà máy mở rộng nhằm cung cấp nguồn điện vào giờ cao điểm cho các tỉnh khu vực phía Nam, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và vận hành kinh tế, tận dụng tối đa lượng nước xả thừa vào mùa lũ.
Năm 2000, sông Bé tiếp tục được chặn dòng tại thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) để xây dựng công trình thủy điện Cần Đơn. Sau khi ngăn dòng tích nước, lòng hồ thủy điện Cần Đơn được xem là vựa đánh bắt thủy sản phong phú cho người dân. Tuy nhiên việc đánh bắt cá ngày dần cạn kiệt nên người dân đã tính đến việc nuôi cá lồng.
Nhà máy thủy điện Cần Đơn chính thức vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia qua 2 tổ máy với tổng công suất 77,6MW ngày 1-1-2004. Bình quân mỗi năm thủy điện Cần Đơn sản xuất 294,4 triệu KWh điện/năm vào lưới điện quốc gia. Năm 2003, sông Bé tiếp tục được ngăn dòng để xây dựng Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng (địa phận huyện Phú Riềng) với công suất 51MW và đưa vào sử dụng năm 2006.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065