BP - Thay cho việc tham gia các hoạt động hè ở trường, những đứa trẻ ở sóc La mình trần tìm nhặt những hạt điều còn sót lại trên nương đồi giữa trưa hè. Cả sóc có 33 hộ nhưng chỉ 6 hộ đủ ăn. Dù vậy, bất kỳ ngôi nhà nào trên sóc La dù nhà tranh vách nứa cũng có ít nhất một bình rượu cần để đãi khách. Những món ngon kiếm được trong tự nhiên bao giờ cũng để dành mời khách dùng trước. Khách dùng xong mới đến chủ. Họ sống hồn nhiên đến mức tưởng chừng như không có sự tồn tại của khái niệm sang hèn thời kinh tế thị trường.
NGUỒN CỘI SÓC LA
Sóc La nằm trong Tiểu khu 270, Nông lâm trường Thống Nhất, thuộc thôn 10, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Mỗi khi có việc, người dân thường băng qua thôn 9 để ra xã chỉ mất khoảng 20 phút theo đường đất đỏ đã được quy hoạch bằng phẳng. Thế nhưng, những người lạ như tôi phải tìm đến cổng chào của thôn 10 rồi vượt qua hai quả đồi trên đường đèo dốc quanh co mới đến được sóc La.
Điểu Nhôn chỉ về thung lũng là nơi ở của sóc La trước đây
Không ai nhớ sóc La có tự bao giờ. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng tên sóc La do ông Điểu La, sinh năm 1958, kế nghiệp các thế hệ đi trước cai quản, tôn tạo, gây dựng và bảo tồn cho đến hôm nay. Từ lúc biết chạy nhảy, Điểu La đã biết đánh đuổi thú rừng để bảo vệ dân làng. Điểu La còn biết làm, biết thổi đàn bầu, sáo trúc, đánh cồng chiêng để tập hợp dân làng. Mọi kỹ năng săn bắn, múa hát để tồn tại giữa núi rừng hoang vu Điểu La đều vượt trội so với mọi người trong sóc. Nhờ những kỹ năng ấy mà Điểu La được dân làng biết đến và tôn vinh thành già làng và mang tên là sóc Ông La. Ông có 3 người vợ, 5 người con trai và một con gái. Ông mất ngày 29-7-2014 sau cơn bạo bệnh. Trước khi mất, ông kịp làm cho mỗi người con một cây nỏ và chia đều tố ché, xà lung cho các con. Ngày ông mất, lũ làng đem chiếc đàn bầu 6 ống đập, chôn theo ông nhưng Điểu Nhôn phát hiện kịp thời và lấy lại để làm kỷ vật hiếm hoi còn sót lại của sóc La.
Sóc La lọt thỏm trong thung lũng của núi rừng thuộc Tiểu khu 270. Năm 2008, xã Thống Nhất quy hoạch làm đường và di dời cộng đồng trong sóc đến một vùng đất cao hơn, cách nơi ở cũ chừng 2km. Cả sóc có 40 hộ với 160 người, trong đó 33 hộ là đồng bào Xêtiêng. ½ số nhà trong sóc được xây dựng từ quỹ tình thương. 11 hộ đồng bào trong sóc được cấp đất và nhà ở theo Chương trình 33 của Chính phủ. Cả sóc chưa ai tốt nghiệp THPT. Điều khá đặc biệt là những mái nhà tranh ở sóc La hiện còn lưu lại khá nhiều vật dụng từ thời xưa cũ.
GIA TÀI CỦA SÓC
Cả sóc La chỉ còn sót lại 2 bộ đồ nghề rèn, một của ông Điểu La và một của ông Điểu Đào. Tuy nhiên, bất kể gia đình nào trong cộng đồng người Xêtiêng ở sóc La cũng biết đến nghề rèn dao côi, xà gạc hay cuốc xẻng. Họ chia nhau cho mượn đồ nghề để rèn những vật dụng cần thiết trong lao động sản xuất. Mỗi chàng trai trong sóc đến tuổi trưởng thành đều mang trong người một con dao côi cả ngày lẫn đêm để phòng thú rừng theo tập quán cổ xưa. Nghề đan gùi, làm nỏ hay dệt thổ cẩm vẫn được duy trì những lúc nông nhàn. Họ sẵn sàng chia nhau từng nắm men rừng, từng gùi lúa rẫy để chế biến rượu cần. Mọi món ăn thức uống có thể thiếu nhưng có một thứ duy nhất không thể không có trong mỗi ngôi nhà trên sóc La là rượu cần được nấu bằng men rừng do chính tay họ làm ra. Đâu đó trong góc khuất của mỗi ngôi nhà đều có một bình rượu cần để dùng mỗi khi nhà có hữu sự.
Thay cho việc tham gia hoạt động hè, những đứa trẻ ở sóc La rủ nhau đi mót hạt điều
Nhà của bà Thị Sên đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo trong mùa giáp hạt nhưng tố rượu cần vẫn được đong đầy bằng lúa gạo trộn lẫn men rừng. Bà Thị Sên bảo: “Rượu cần làm sao thiếu được! Có thiếu thì mọi người giúp nhau để có mà”. Trong khi đó, đứa con gái của bà năm nay lên lớp 7 đang trước nguy cơ bỏ học vì thiếu tiền học phí. Nhà của Điểu Nga thì có đến 7 tố rượu cần đã ủ cách đây vài tháng. Tố nhỏ nhất cũng mất 5kg gạo, lớn hơn một chút thì 10kg, lớn nhất đến 20kg gạo. Cả 7 tố cộng lại ít nhất cũng hết 30kg gạo. Cả 33 nhà cộng lại thì số gạo để làm rượu cần đủ nuôi một hộ nghèo ở sóc. Nhưng không! Tố rượu cần cứ đong đầy gạo, mặc cho mỗi bữa ăn hằng ngày cơm có đầy bụng hay không.
Thước đo giá trị của mỗi tố, ché, xà lung xưa cũ trên sóc La được tính bằng độ dài ngắn của sừng trâu. Tố một mắt tương đương với sừng trâu dài một gang tay. Tố hai mắt, ba mắt thì tương đương với con trâu có sừng dài bằng cánh tay. Xà lung thì bằng 2 con trâu có sừng dài bằng cánh tay. Tất cả mọi tố, ché, xà lung không tính bằng tiền mà được quy đổi bằng trâu. Trâu của người Xêtiêng không dùng vào việc cấy cày mà chỉ để cúng tế trong dịp lễ hội hoặc trao đổi bằng tố, xà lung mỗi khi dựng vợ gả chồng. Dĩ nhiên, tục quay đầu trâu vẫn đang hiện diện khá rõ nét trên sóc còn nghèo khó này.
NỖI LO NGÀY MAI
Năm 2008, gia đình bà Thị Nhoi mượn 6 triệu đồng của ông Lã Quang Chức ở thôn 9 để lấy tiền mua gạo. Đổi lại, ông Lã Quang Chức được thu hái vườn điều 6 sào của gia đình bà Nhoi. Năm 2009, ông Chức ép bà Nhoi ký giấy tay bán vườn điều cho mình với giá 12 triệu đồng. Năm 2010, bà Nhoi làm đơn khiếu nại đến xã Thống Nhất để giải quyết vụ việc. Sau khi xã hòa giải bất thành, vụ việc chuyển đến Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng giải quyết theo trình tự pháp luật. Thế nhưng từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vườn điều 6 sào của gia đình bà Thị Nhoi đã được ông Lã Quang Chức sang tay cho người khác cách đây 3 năm. 3 năm rồi, gia đình bà Thị Nhoi chỉ biết đứng nhìn người khác đến vườn điều của mình thu hoạch. Năm 2006, Điểu Krang thế chấp 2 ha điều của gia đình để vay 6 triệu đồng. Sau nhiều năm lãi mẹ đẻ lãi con, 2 ha điều của anh cũng lần lượt theo nợ ra đi. Cả sóc có 33 hộ, 11 hộ trong số đó được cấp đất sản xuất. Thế nhưng, hiện chỉ còn 6 hộ đủ ăn nhờ giữ được đất canh tác.
Những năm qua, Nông lâm trường Thống Nhất cũng mở lớp dạy nghề cạo mủ cao su miễn phí cho người dân trong sóc nhưng số người đi học đếm trên đầu ngón tay. Đầu năm 2015, các đoàn thể trong xã lại đến từng gia đình trong sóc vận động người dân học cạo mủ cao su để vào làm công nhân cho nông lâm trường. Thậm chí, lãnh đạo xã phải ra huyện Bù Đăng mời cha xứ Trần Hữu Từ đến tận sóc vận động mới được một lớp chừng 30 người.
Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất Nguyễn Huy Long cho biết: Hiện Nông lâm trường Thống Nhất đã tiếp nhận 28 lao động ở sóc La vào cạo mủ cao su nhưng lại lo họ có trụ vững qua mùa cạo mủ này không. Họ cứ làm việc theo thói quen thích thì làm, không thích thì nghỉ. Khỏe làm, mệt nghỉ. Rảnh làm, dòng tộc có hiếu hỉ lại nghỉ. Nghỉ và làm không theo giờ giấc hay quy định nào của công ty, doanh nghiệp. Cả sóc hiện vẫn chưa có bất kỳ ai làm việc ở các công ty, doanh nghiệp với thời gian từ hai năm trở lên. Vì thế mà các doanh nghiệp trên địa bàn xã rất e ngại khi tiếp nhận đồng bào Xêtiêng vào làm việc.
Từ nghề rèn đến đan gùi, dệt thổ cẩm, làm tên, nỏ đều mang tính chất tự cung tự cấp. Tất cả những sản phẩm mang tính truyền thống của họ làm ra chỉ lưu hành và tiêu thụ trong sóc. Không ai mua được chiếc tố của họ bởi nó được quy đổi bằng trâu. Không ai mua được chiếc gùi hay tấm thổ cẩm mà họ bỏ công đan cả tuần, cả tháng. Làng nghề không thể ra khỏi thôn, sóc để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Bởi thế, từ việc làm cho đến các sản phẩm đậm chất văn hóa của đồng bào Xêtiêng ở sóc La vẫn đang còn hun hút trên thị trường lao động và hàng hóa đầy sôi động hiện nay.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065