Điều 25 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Theo đó, Khoản 4 của điều này có nội dung như sau: 4. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phù hợp. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì thế, tôi đề nghị bỏ cụm từ “tạo điều kiện” và thay vào đó bằng cụm từ “hỗ trợ hiệu quả” và thay cụm từ “không có đất” bằng cụm từ “không còn đất” và bổ sung cụm từ “để ổn định cuộc sống lâu dài” vào phần cuối của khoản này. Có như vậy thì chính sách xóa đói, giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước ta đang thực hiện mới đồng bộ, mang lại hiệu quả bền vững. Như vậy, Khoản 4 được viết lại như sau: 4. Có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không còn đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phù hợp để ổn định cuộc sống lâu dài.
Điều 36 là những quy định về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, với nội dung như sau: 1. Kỳ quy hoạch sử dụng đất là mười (10) năm và tầm nhìn hai mươi (20) năm. 2. Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là năm (05) năm. Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. ở điều này tôi xin góp ý như sau: Nhằm khắc phục tình trạng tư duy theo nhiệm kỳ, tôi kiến nghị nhà nước thống nhất quy định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và tầm nhìn 20 năm. Tuy nhiên, định kỳ kế hoạch 5 năm có rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở điều tra, đánh giá các nhân tố tác động một cách khách quan, khoa học, đặc biệt phải tổ chức tham vấn các tổ chức khoa học, ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân và chỉ được điều chỉnh khi đạt được sự đồng thuận. Riêng đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (công trình phục vụ chiến đấu và huấn luyện của quân đội, căn cứ hậu cần, kho bãi…), các dự án kinh tế do Quốc hội hay Chính phủ quyết định đầu tư thì nên có quy định riêng.
Khoản 1, Điều 63 là những quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, với nội dung như sau: 1. Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai gồm: a) Sử dụng đất không đúng mục đích; b) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; c) Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền; đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà cố ý nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho; d) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; …Căn cứ vào các nội dung quy định ở khoản này, tôi chưa thấy đề cấp đến trường hợp giao đất, cho thuê đất không phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Mặc dù các trường hợp này rất ít xảy ra, nhưng trong thực tế đã xảy ra. Và nếu khi xảy ra việc giao đất hay cho thuê đất nhưng không căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì có thu hồi lại đất hay không. Ở đây còn vấn đề nữa cần được quy định cụ thể là đối với diện tích đất được giao, cho thuế nhưng vi phạm quy định này thì sau khi thu hồi sẽ giao cho đơn vị hay cơ quan nào quản lý. Vì theo quy định tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP thì Trung tâm phát triển quỹ đất không được giao quản lý quỹ đất thu hồi do trường hợp này.
Tại Khoản 1, Điều 121 quy định về đất sử dụng có thời hạn, với nội dung như sau: 1. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng theo quy định tại các khoản 1, 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 124 của luật này là năm mươi (50) năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì được Nhà nước tiếp tục giao đất với thời hạn là năm mươi (50) năm. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá năm mươi (50) năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại điểm này nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì được gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, theo quy định trên thì việc gia hạn quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện khi người có nhu cầu gia hạn ngoài việc sử dụng đúng mục đích thì phải phù hợp quy hoạch trong giai đoạn tiếp theo. Với quy định này, tôi cho rằng không cần thiết và không phù hợp với thực tế hiện nay. Vì đối với đất nông nghiệp, người dân được công nhận quyền sử dụng đất thì hiện tại khu vực đó đã đươc quy hoạch. Đối với trường hợp không phù hợp với quy hoạch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian sắp tới thì người dân không đủ điều kiện để được gia hạn, mà lại phải bị thu hồi nên rất thiệt thòi cho người dân. Vì vậy, tôi đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ trường hợp không còn phù hợp với quy hoạch trong chu kỳ giao đất tiếp theo, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người dân đấu tư trên đất được giao không bị thiệt.
Hồ Văn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065