Những viên ngọc quý của tình hữu nghị Việt - Lào
Chuyện kể rằng, vào năm 1940 trên mảnh đất Nậm Thà của tỉnh Luang Nậm Thà, đất nước Lào có người thanh niên Việt Nam tên Hoàng Văn Phẩm đến bản Pung để làm nhiệm vụ mật là gây dựng phong trào cách mạng trên đất nước bạn. Với đức tính siêng năng, cần cù, hay nói hay làm và luôn gần gũi với bà con dân bản, anh thanh niên Hoàng Văn Phẩm đã lọt vào mắt xanh của một cô gái Lào. Được sự đồng ý của tổ chức, hai người đi đến kết hôn. Sau 9 năm âm thầm hoạt động cách mạng ở bản Pung và vun đắp hạnh phúc gia đình, ba người con mang dòng máu Việt - Lào lần lượt ra đời trong niềm vui, hạnh phúc của hai vợ chồng.
That Luang - biểu tượng văn hóa của nước Lào
Thời điểm này cũng là lúc giặc Pháp tăng cường lực lượng về bản Pung và thường xuyên tổ chức lùng sục, truy bắt các chiến sĩ cách mạng. Trước tình hình đó, nhận lệnh cấp trên ông Phẩm cùng 4 đồng đội tạo hiện trường giả - “do ông cố mê đánh lưới bắt cá ở suối Tùng Khoa nên đã bị nước lũ cuốn trôi mất xác”. Vợ và các con ông đã khóc hết nước mắt, thương xót người chồng, người cha hết lòng thương yêu vợ con. Vợ con ông đã đưa hình ảnh ông lên bàn thờ để cúng vong theo đúng phong tục người Lào.
Ông Hoàng Văn Phẩm rời chiến trường Lào về Việt Nam và được cử sang Trung Quốc học ngoại ngữ. Sau khi về nước, ông được phân công làm phiên dịch cho các tướng lĩnh trong quân đội. Sau đó ông trực tiếp tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm 1958, ông Phẩm cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 280 nhận nhiệm vụ về xây dựng nông trường chè Mộc Châu. Ông là thế hệ đầu tiên đặt nền móng để nông trường này lớn mạnh và có danh tiếng như ngày hôm nay.
Vì đất nước chiến tranh nên ông không thể qua Lào để tìm lại vợ con sau bao năm xa cách. Đến khi phục viên về công tác tại Nông trường chè Mộc Châu, ông luôn canh cánh làm sao tìm được vợ con bên đất Lào. Do tuổi cao, sức yếu, ông đã nhờ hết người này đến người khác có điều kiện công tác tại Lào dò la, thăm hỏi tin tức vợ con. Năm 2005, trong dịp qua thăm và làm việc tại tỉnh Luang Nậm Thà, Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La đã tìm được vợ con ông. Đoàn đã báo tin cho vợ và các con ông biết là ông còn sống, hiện đang ở Nông trường chè Mộc Châu. Vợ, và ba con mừng mừng tủi tủi qua thăm ông. Cuộc trùng phùng diễn ra đầy nước mắt. Cuộc hội ngộ sau 60 năm tưởng như trong mơ đã thành hiện thực. Cả gia đình cùng ôm nhau khóc trong niềm vui của mọi người.
Người chiến sĩ cách mạng Việt Nam năm xưa ở bản Pung giờ đã ngoài 95 tuổi - cái tuổi đã gần đất xa trời nhưng ông vẫn lạc quan yêu đời vì người bạn đời ngày nào giờ tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn khỏe mạnh. 3 người con mang dòng máu Việt - Lào của ông giờ đã thành danh. Mai này dù có xuôi tay nhắm mắt thì ông vẫn mãn nguyện bởi đã là người góp phần cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi xanh tươi, đơm hoa kết trái.
Chuyện xảy ra vào năm 1972 của thế kỷ trước. Lúc đó mặt trận Trường Sơn vô cùng ác liệt, có anh bộ đội Pathét Lào mang tên Khâm Sĩ. Sau những ngày vận chuyển vũ khí đạn dược từ Hải Phòng rồi vượt Trường Sơn để chi viện cho bộ đội Pathét Lào, đến rừng Trường Sơn, anh bị cơn sốt rét rừng hành hạ không thể theo kịp đơn vị. Phát hiện anh nằm mê man ở một góc rừng, bộ đội Việt Nam đã đưa vào trạm quân y để chữa trị. Tuy nhiên, do không được ăn uống nhiều ngày, sức khỏe cạn kiệt, dù đã tận tình cứu chữa qua nhiều ngày nhưng anh bộ đội Khâm Sĩ vẫn luôn hôn mê sâu, có lúc nhịp tim ngưng đập, bác sĩ đã ra lệnh chuyển xác Khâm Sĩ ra để chuẩn bị chôn cất. Lúc bấy giờ cô y tá Nguyễn Thị Ngọc đến kiểm tra lần cuối thì phát hiện người Khâm Sĩ vẫn còn ấm nên đưa về lán trại để tiếp tục theo dõi. Cô y tá Nguyễn Thị Ngọc đã ngày đêm chăm sóc, bón từng thìa sữa, thìa nước chanh. Vài ngày sau, bộ đội Khâm Sĩ đã dần bình phục, chưa kịp ngỏ lời cảm ơn ân nhân cứu mạng thì bom đạn Mỹ lại trút xuống. Thế là mạnh ai nấy sơ tán. Bộ đội Khâm Sĩ tìm đường về với đơn vị, còn cô y tá Ngọc tiếp tục làm nhiệm vụ ở Trạm quân y T20. Sau ngày hai nước Việt - Lào hoàn toàn độc lập, anh bộ đội Lào vẫn không sao quên được hình ảnh của người y tá Việt Nam ngày nào. Còn cô y tá Việt Nam sau chiến tranh đã chuyển ngành về công tác tại Trạm y tế xã Xuân Lâm thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Quyết tâm tìm kiếm cho được ân nhân, qua nhiều năm dò la thăm hỏi hết địa phương này đến địa phương khác, cuối cùng bộ đội Khâm Sĩ cũng tìm được cô y tá ở rừng Trường Sơn đã cứu mình ngày nào. Gặp nhau trong niềm vui khôn tả. Cô y tá Việt Nam cho rằng việc cứu sống người là công việc bình thường của người y tá trong chiến tranh. Nhưng Khâm Sĩ thì không cho là như vậy, ơn cứu mạng này đáng để cho anh khắc cốt ghi tâm. Sau khi biết tuổi, biết tên, Khâm Sĩ đã nhận chị Ngọc là chị kết nghĩa đáng kính. Từ đó hai gia đình coi nhau như chị em. Khâm Sĩ mời vợ chồng anh chị y tá ngày nào sang Viêng Chăn thăm gia đình mình và ngược lại, cô y tá coi Khâm Sĩ như đứa em ruột trong gia đình. Tình cảm giữa người chị Việt, em Lào càng thêm gắn bó đậm sâu.
Thời điểm năm 1970, ở chiến trường Nam Lào, bộ đội Việt Nam và bộ đội Pathét cùng chung một mặt trận, cùng chung một kẻ thù. Giữa chiến trường Sêkông ác liệt có anh bộ đội tình nguyện Việt Nam do cơn sốt rét ác tính hành hạ đã nằm lại ở bản Phon. Do không ăn uống được gì nên sức khỏe anh suy kiệt, hơi thở yếu dần. Thương bộ đội Việt Nam quá, mẹ Bunha lúc đó là Hội trưởng Hội phụ nữ bản Phon đã vận động chị em trong bản đang có con nhỏ vắt sữa để cứu anh bộ đội... Vận động mãi nhưng mọi người đều ngại ngùng không dám làm việc này vì đa phần các chị cũng đang độ tuổi đôi mươi như anh bộ đội. Tưởng chừng như bất lực nhìn anh bộ đội chết dần nhưng trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, chị Nan Chia đã đến vắt sữa của mình và bón từng muỗng cho anh bộ đội.
Từ những giọt sữa nghĩa tình này, sau 2 tuần tĩnh dưỡng, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam đã dần tỉnh. Khi nghe mọi người trong bản kể lại, anh bộ đội Việt Nam đã đến gặp chị Nan Chia để cảm ơn ân nhân cứu mạng và xin nhận làm con, mặc dù lúc đó chị chỉ hơn anh bộ đội Việt Nam chưa đầy mười tuổi.
Sau thời gian được sự chăm sóc của bà con bản Phon, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam đã hoàn toàn bình phục, từ giã bà con lên đường tìm đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Anh bộ đội vội vã ra đi không kịp để lại một cái tên, chỉ biết rằng anh là bộ đội Việt Nam, vì nhiệm vụ quốc tế vẻ vang đã sang đất Lào, sát cánh cùng bộ đội Pathét Lào đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Anh bộ đội đó đã không còn có dịp để trở lại bản xưa tìm lại “người mẹ” cứu mình ngày nào. Vì chiến trường ác liệt có lẽ anh đã nằm lại ở một bản làng nào đó để tô điểm thêm cho lá cờ Việt - Lào ngày càng thêm đỏ, thêm xanh.
Thật cảm động biết bao những câu chuyện đời thường tưởng chừng chỉ có trong mơ, trong chuyện cổ tích. Từ mối tình sâu đậm của chàng trai Việt - cô gái Lào, đến tình chị em giữa anh bộ đội Pathét Lào với cô y tá Việt Nam hay bà mẹ Lào đã dùng chính dòng sữa của mình để cứu anh bộ đội tình nguyện Việt Nam. Họ là những bông hoa tươi đẹp trong vườn hoa hữu nghị, tô điểm cho sắc màu hai dân tộc Việt - Lào ngày càng xanh tươi, tỏa ngát...
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, ngàn đèo cũng qua
Việt, Lào - hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
Minh Hoàng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065