BPO - Tối 5-12, tại Quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới (1765 - 2015).
Tham dự buổi lễ có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chỉ đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; con em dòng họ Nguyễn Tiên Điền, xã Tiên Điền – quê hương Đại thi hào; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương, hoa tại Nhà thờ Nguyễn Du. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam với tầm vóc và vị thế khó ai sánh nổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học cổ điển nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế.
Nguyễn Du sinh năm 1765 trong một gia đình giàu truyền thống khoa bảng tại kinh thành Thăng Long, cha là Nguyễn Nghiễm, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sống trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam cuối thời Hậu Lê đầu thời Nguyễn thế kỷ XVIII, XIX, ông là nhân chứng của những thăng trầm, rối ren của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Với tài năng thiên bẩm, Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn học vô cùng quý giá. Với hàng trăm tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã phác họa, chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống xã hội đương thời, xót thương cho những thân phận khổ đau, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Thanh hiên thi tập” , “Nam trung tạp ngâm” , “Bắc hành tạp lục” và đỉnh cao là Truyện Kiều, một kiệt tác thơ của mọi thời đại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị nghệ thuật đặc sắc của một thiên tiểu thuyết bằng thơ.
Truyện Kiều là tác phẩm đạt đến mẫu mực tuyệt vời về sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân, giữa vẻ đẹp của tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc, là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Nguyễn Du là người đã kế thừa một cách sáng tạo truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và đã nâng truyền thống ấy lên một cách chói lọi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hoa tại mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hơn hai trăm năm đi qua, Truyện Kiều và các tác phẩm của ông đã gắn bó với đời sống của nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, vượt qua biên giới đến với kiều bào ta ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Tư tưởng triết học nhân sinh đã đưa tác phẩm của Nguyễn Du vượt qua thời gian, vượt mọi giới hạn của ngôn ngữ, bắt gặp sự chia sẻ, đồng điệu của mọi người. Nhiều câu thơ của Nguyễn Du khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, đề cao cái thiện, coi cái thiện là gốc rễ đã lay động trái tim bao thế hệ người Việt Nam, tạo cảm hứng sáng tác cho nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Vượt qua thăng trầm lịch sử, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã sống một đời sống đích thực trong lòng của nhân dân; trong thời đại Hồ Chí Minh, tên tuổi, di sản của ông không chỉ được người Việt Nam mãi mãi tôn vinh, tự hào, mà còn được bạn bè năm châu biết đến và ngưỡng mộ.
Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du là dịp chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng nhân dân cả nước cũng như người dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa vô giá của Nguyễn Du đến các thế hệ mai sau; tích cực giới thiệu, quảng bá tác phẩm của ông đến với công chúng trong nước và nước ngoài, làm rạng danh văn hóa Việt Nam.
Sau phần Lễ kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Tiếng thơ ai động đất trời” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung và thực hiện, được tập thể diễn viên, nghệ sỹ Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn.
Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” được thể hiện qua 5 chương: chương I: Vùng địa linh nhân kiệt – áo gấm về làng; chương II: Quê mẹ Kinh Bắc; chương III: T iếng thương như tiếng mẹ ru; chương IV: Nguyễn Du viết truyện Kiều - đất nước hóa thành văn; chương V: K húc vui xin lại so dây cùng người.
Bà Katherine Muller-Marine, Trưởng dại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Chương trình được d àn dựng với hình thức nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật gắn kết, hòa trộn như: Ca, múa, nhạc, hát dân ca, kịch hình thể, kịch thơ Kiều, lẩy Kiều, chèo Kiều, ngâm, đọc thơ… cùng với lời dẫn được viết dựa trên những ý thơ của Nguyễn Du . Nguyên liệu âm nhạc chủ đạo được lựa chọn là các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đất H à Tĩnh như ca trù, chèo Kiều, hát ví phường vải, phường nón, hò ví , giặm …
Với sự đầu tư công phu về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật , Chương trình “Tiếng thơ ai động đất trời” được đông đảo nhân dân Hà Tĩnh khen ngợi và đánh giá là chương trình nghệ thuật hoành tráng , tôn vinh những công lao to lớn của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du đối với nền văn hóa nước nhà.
Chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời”. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu đã đến dâng hương tưởng niệm tại phần mộ và Nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du, ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Nguồn Thethaovanhoa.vn