Xây dựng cơ quan báo chí trong sạch,
thực hiện tốt vai trò giám sát
Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã và đang được các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân triển khai học tập, quán triệt và thực hiện. Các cơ quan báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận, đó là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh trong việc giám sát, trước hết tự báo chí và các cơ quan báo chí cũng cần “soi lại mình”.
BÁO CHÍ LÀ CÔNG CỤ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC
Sau hơn 15 năm tái lập tỉnh Bình Phước, cùng với sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, báo chí Bình Phước đã có sự phát triển vượt bậc, đáp ứng yêu cầu là công cụ thông tin, tuyên truyền của Đảng, chính quyền và là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân. Đến nay tỉnh Bình Phước đã có gần 100 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó có 54 cán bộ, phóng viên được cấp thẻ nhà báo. Báo in có 3 cơ quan được Nhà nước cấp phép (Báo Bình Phước, Tạp chí Khoa học - Thời đại và Tạp chí Văn nghệ). Báo hình, báo nói có cơ quan Đài Phát thanh -Truyền hình với gần 200 cán bộ, phóng viên, nhân viên... Riêng về báo điện tử, ngoài báo điện tử binhphuoconline của Báo Bình Phước còn có hàng chục trang tin điện tử của các cơ quan, sở, ban, ngành trong tỉnh.
Báo chí đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trở thành người bạn tri kỷ của các tầng lớp nhân dân và là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; là kênh giao tiếp giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội, Chính phủ, nhất là mỗi khi Quốc hội họp và thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân và là một thiết chế quan trọng trong đời sống chính trị của nước ta. Phần lớn các cơ quan báo chí đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội... góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Nhiều nhà báo đã lăn vào thực tiễn sinh động của cuộc sống để sáng tạo tác phẩm báo chí có tính thuyết phục cao. Rất nhiều nhà báo đã dấn thân vào các mảng đề tài nóng bỏng như phòng, chống tệ nạn xã hội và chống tiêu cực, tham nhũng. Họ thực sự đã đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng và đã nhận được những phần thưởng xứng đáng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được công chúng báo chí ghi nhận.
YẾU KÉM TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Bên cạnh những thành tích cơ bản nêu trên, báo chí cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã đánh giá đúng những thành tựu của hoạt động báo chí, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương chỉ rõ, trong hoạt động báo chí một số yếu kém, khuyết điểm được nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm khắc phục, có mặt, có lúc, có nơi còn trầm trọng hơn. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng...Thực tế cũng cho thấy, không ít cơ quan báo chí viết nhiều bài phê phán tình trạng mất dân chủ, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị bên ngoài, trong khi chính đơn vị mình, cơ quan mình lại có biểu hiện tiêu cực, xuất hiện đơn thư tố cáo nặc danh, thậm chí có lãnh đạo cơ quan báo phải vào tù vì vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: Phải kết hợp giữa “xây và chống”, “chống và xây”. Nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật. Tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận.
Để báo chí hoàn thành tốt vai trò giám sát, từng cơ quan báo chí nên “tự soi lại mình”, nêu cao tinh thần tự phê bình, trước hết từ tổng biên tập, ban biên tập xuống từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên trong cơ quan. Đặc biệt, cần coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những mặt tốt và khắc phục cho được những tồn tại, khuyết điểm. Có như vậy sản phẩm của cơ quan báo chí mới tăng hiệu quả tuyên truyền và hoàn thành vai trò giám sát mà Đảng, Nhà nước đã giao cho.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065