Người thương binh và bức thư khen
của Chủ tịch nước
BỨC THƯ KHEN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
Trong thư khen gửi ông Nguyễn Văn Nồng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: “... Tôi xúc động được biết, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng với ý chí cách mạng và tấm lòng của người đảng viên đã từng vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hàng tháng ông đã trích một phần lương hưu để giúp đỡ cho học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường; hỗ trợ các gia đình nghèo; đóng góp các quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học; tích cực tuyên truyền, vận động được nhiều bà con tham gia những công việc có ích cho xã hội... Tôi biểu dương và khen ngợi tấm lòng của ông trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
Tách trà sóng sánh với hơn phân nửa đổ ra ngoài, ông Nguyễn Văn Nồng (ấp Lòng Hồ, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản) nói: “Tay tôi run bần bật như thế này từ ngày ở nhà tù Phú Quốc. Ngày đó, tôi bị bọn cai ngục của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cùm tay rồi treo lên. Chưa hết, chúng còn dùng vật nhọn đâm vào khuỷu tay và đầu các ngón tay... Dù bị chúng tra tấn dã man, nhưng tôi quyết không khai báo bất cứ điều gì ảnh hưởng đến cách mạng, quốc gia, dân tộc”.
TRẢ ƠN NẮM RAU DẠI
Ông Nồng lập luận: Bác Hồ đã từng nói kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta là “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Giặc ngoại xâm chúng ta đã tiêu diệt được, nhiệm vụ chính bây giờ là phải diệt “giặc dốt” và “giặc đói”. Nhìn những người có hoàn cảnh khó khăn vật lộn với bệnh tật, không có mái nhà để che nắng, che mưa sao tôi có thể bưng bát cơm ăn cho đặng. Hơn nữa, tôi già rồi, ăn được bao nhiêu đâu. Giúp được một người là tôi có thêm niềm vui để sống.
Giúp được thêm một người là ông Nồng có thêm niềm vui để sống
Ảnh: Hơn 3 năm nay, ông Nồng đều trích tiền lương hưu để trợ cấp hàng tháng cho cháu Điểu Hùng
Đồng đội hy sinh trong chiến tranh, chôn cất sơ sài, để lâu năm mà chưa được cất bốc, đã làm cho ông nhiều đêm trăn trở. Để “ấm lòng” người đã khuất, ông vừa vận động, vừa góp tiền thuê thợ cất bốc, xây 4 ngôi mộ cho vợ chồng ông Ba Sinh (xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh) và vợ chồng ông Bảy Chung (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh).
“Nhiều người xưa là dân công, việc gì cũng đi đầu, có người bị thương, tật nguyền nhưng thời bình đang ở trong những căn nhà rách nát. Còn ít tiền tích cóp phòng lúc bệnh tật, tôi xây nhà tình thương 70 triệu đồng để hai mẹ con chị dân công xưa ổn định cuộc sống”, ông Nồng ôn tồn kể về hoàn cảnh bà Thị Ham.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng ấp 5, xã An Khương (Hớn Quản), cho biết: Hoàn cảnh bà Thị Ham rất éo le, bản thân bị tật nguyền, gia đình không có đất sản xuất, mọi chi tiêu hằng ngày đều phụ thuộc vào số tiền làm công của đứa con út. Được ông Nồng hỗ trợ căn nhà tình thương, mẹ con bà Ham không còn lo sợ mỗi khi mưa gió.
NẶNG TÌNH VỚI ĐỒNG BÀO
Người dân ở xã Tân Hưng đều biết đến ông Nguyễn Văn Nồng (tức ông Chín Hùng - trong kháng chiến) với lối sống giản dị, cần kiệm. Ở tuổi 80, là thương binh hạng 2/4, một chân đã để lại chiến trường, những vết thương trên người vẫn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng không có gì ngăn được bước chân ông đến với đồng bào dân tộc thiểu số hay những hoàn cảnh khó khăn...
Ông Nồng kể: “Trước tết Mậu Thân năm 1968, quận Hớn Quản cũ được tổ chức thành 4 mũi công tác (K) tiến công vào An Lộc. Trong đó, K2 do tôi làm Bí thư chi bộ, phụ trách các làng sở cao su Xa Cô 2, Xa Cô Xuýt, Xa Cô 28. Lần đó, theo lệnh tổng tiến công, các đơn vị đều tập trung về tỉnh, lực lượng nắm địa bàn chỉ còn lại khoảng 1 tiểu đội. Bất ngờ chạm trán với địch, tôi đã chiến đấu quyết liệt cho đến khi bị thương nặng. Sau đó, tôi bị bắt giam tại nhà tù Phú Quốc 5 năm (1968-1973), rồi được trao trả ra Bắc. Năm 1974, tôi làm Bí thư huyện ủy Lộc Ninh, đến năm 1993 thì nghỉ hưu.
Từ khi là anh bộ đội, đến lúc làm bí thư chi bộ ở trong căn cứ, đồng bào luôn che chở cho tôi và đồng đội. Hạt gạo cũng sẻ làm đôi cho chúng tôi, nhiều lúc đồng bào nhịn ăn nhường cho bộ đội nắm rau dại. Việc tôi làm hôm nay rất nhỏ bé so với những gì mình nhận được.
Tuy nhiên, chỉ những ai chí thú làm ăn, chăm lo cho con đi học tôi mới giúp. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật, thiếu tiền cho con đi học... tôi cho mượn không tính lãi khi thì 3 triệu, lúc 5 hoặc 10 triệu đồng. Đây là tiền tôi tiết kiệm từ lương hưu 20 năm nay và thu được từ 7 sào cao su của gia đình. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không thể trả số tiền đã mượn, tôi cho luôn để họ đỡ áy náy”.
Đi lại khó khăn, nhưng 3 năm nay, ông Nồng vẫn đều đặn đến thăm em Điểu Hùng ở ấp Sóc Quả, xã Tân Hưng. Gặp ông Nồng, nhận những gói bánh từ ông, được ông xoa đầu, Hùng mừng rỡ, nhìn ông rồi ú... ớ... liên hồi. Bà Thị Phó (bà ngoại em Hùng) xúc động nói: “Hùng bị bại liệt, chân teo lại, không đi và không nói được. Tháng nào ông Nồng cũng cho Hùng 200 ngàn đồng, được 3 năm nay rồi. Nghe người ta nói ông lấy tiền lương hưu cho cháu, tôi rất cảm ơn”.
Bà Thị Xơi (sóc Đặc Sư, ấp Lòng Hồ), người được ông Nồng nhận hỗ trợ hằng tháng, cho biết: “Tôi sống một mình, lại hay bị bệnh nên cuộc sống rất khó khăn. Nếu không có ông Nồng và Hội chữ thập đỏ xã giúp đỡ, tôi không biết xoay xở ra sao”.
Ông còn tặng quà cho hàng chục lượt học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ tiền mua tập, sách cho các em đến trường. Một phần do ông vận động được từ các cá nhân, tổ chức từ thiện và bằng chính tiền lương hưu dành dụm, tiết kiệm hằng ngày. Ngoài những trường hợp trợ cấp đột xuất, trung bình mỗi tháng ông Nồng hỗ trợ các hoạt động khuyến học, giúp đỡ người khó khăn... số tiền hơn 1 triệu đồng.
Mỗi chiều, tôi đều chuẩn bị nhang, đèn tươm tất trên bàn thờ Bác Hồ. Nhìn ảnh Người, tôi nghĩ lại những việc mình đã làm trong ngày, xem xét việc nào đúng, việc nào sai để sửa. Không biết mình còn sống được bao lâu nữa, nhưng còn thở là tôi còn học Bác, từ những việc cụ thể nhất
|
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng - ông Hoàng Văn Hào cho biết: Ông Nguyễn Văn Nồng là tấm gương sáng trong học và làm theo Bác ở địa phương. Thể hiện phẩm chất “thương binh tàn nhưng không phế”, tuy về hưu nhưng ông đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của một người đảng viên gương mẫu, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, có ích cho xã hội. Những buổi sinh hoạt đoàn viên, hay các hoạt động của thanh, thiếu nhi, chúng tôi thường đem những câu chuyện đời thường của ông Nồng và một số cá nhân điển hình sinh sống tại địa phương để giáo dục giới trẻ.
Ông Nồng cười móm mém: “Tôi nhiều năm công tác xa nhà, nhờ có vợ chu toàn, vun vén, chăm sóc con cái, nên công này thuộc về bả”. Chúng tôi trò chuyện: “Hồi trẻ ông đi hoài, giờ già đi làm từ thiện, để bà ở nhà một mình, bà có buồn không?”. Bà Thị Áp (vợ ông Nồng) cười, nói ngay: “Thấy người nghèo gặp hoạn nạn, cái bụng mình thương lắm. Ổng mà giúp người ta chưa được, là mình còn bực nữa đó”.
Với những cống hiến trong cuộc kháng chiến, ông Nguyễn Văn Nồng đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; được Thủ tướng Chính phủ tặng Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày” vào năm 1998; được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, tháng 5-2013, ông vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hải Châu - Tuyết Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065