“Mùa thu rồi, ngày hai ba...”
Cách đây 66 năm (ngày 23-9-1945), quân và dân Nam bộ đã nhất tề quyết chí đứng lên đi vào cuộc kháng chiến đầy thử thách của lịch sử - cuộc kháng chiến Nam bộ từ sáng 23-9, chỉ sau ngày nước ta tuyên bố Độc lập với toàn thế giới 21 ngày. Lời ca “Mùa thu rồi, ngày hai ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” của nhạc sỹ Tạ Thanh Sơn trong ngày đầu kháng chiến vẫn như còn vang vọng mãi đâu đây, như nhắc chúng ta nhớ về những ngày đầu gian khổ kháng chiến của quân và dân toàn Nam bộ 66 năm về trước.
Nhân dân Sài Gòn đánh địch trước chợ Bến Thành ngày 23-9 - Ảnh: Tư liệu
Theo tài liệu “Lịch sử Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định”, ngay trong đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, tại trung tâm Sài Gòn, những nơi quân Pháp nổ súng đánh chiếm đều bị quân dân chống trả quyết liệt và tổ chức vây hãm quân Pháp ở trong nội thành. Sáng sớm 23-9, Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số 629, đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... Ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vừa vào đến Sài Gòn ngày 27-8-1945, trong đêm đó đã dự. Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa địch - ta và Hội nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Chiều 23-9-1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu đã ký tuyên cáo gửi tới toàn thể đồng bào Nam bộ:
“Đồng bào Nam bộ!... Vì coi quân Anh là đại biểu của Đồng minh tới đất nước chúng ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho dân chúng Đông Dương, nên chúng tôi - Ủy ban Nhân dân Nam bộ luôn giúp đỡ quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi quốc dân nên nén lòng căm giận để chờ đợi cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế. Nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp đã làm nhiều điều quá đáng. Không lẽ chịu nhục hoài, vì vinh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng ta phải đánh điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến”...
Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, quân đội cách mạng và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lập tức tổng bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Khắp thành phố, mọi sinh hoạt chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hoạt động. Công nhân nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà máy điện bị phá. Mọi thứ vật dụng gia đình đều được sử dụng làm vật chướng ngại cản bước tiến quân địch. Bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu. Bên ngoài thì các lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây. Trong ngày 23-9-1945, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân đội ta.
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong những chiến sĩ đã ra đi từ Nam bộ Kháng chiến, cho biết: Một tuần sau ngày 23-9-1945, nhân dân ta ở Sài Gòn, Chợ Lớn được tổ chức thành 4 phòng tuyến chặn địch: Mặt trận tiền tuyến miền Đông kéo dài từ cầu Thị Nghè qua cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Marc Mahon; Mặt trận phía Bắc - Tây Bắc chặn địch hướng Tham Lương, Hóc Môn; Mặt trận tiền tuyến miền Tây chặn địch hướng Cầu Tre, Phú Lâm, Bình Điền; Mặt trận phía Nam từ Bình Đăng kéo dài tới Thủ Thiêm (nay là quận 2).
Cuộc kháng chiến nổ ra sớm nhất tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong khuya 22-9-1945, về phía đội quân cách mạng, bên cạnh lực lượng tự vệ vũ trang được trang bị thô sơ - tầm vông vót nhọn và những vũ khí gì có thể phục vụ được - đã có hàng vạn thanh niên, học sinh, lao động, thợ thuyền, quần chúng yêu nước tự nguyện xông ra các tuyến đường, các công sự do nhân dân ta đắp nên trong những ngày đầu kháng chiến, chiến đấu, lấy súng địch đánh địch, lập chướng ngại vật, bao vây cắt đường giao thông... ngay các tuyến đường trung tâm thành phố(*).
Từ chủ trương của Đảng bộ Sài Gòn, nhân dân thành phố và cả miền Nam đã đồng tâm, hiệp lực đứng lên cùng đi vào kháng chiến với ý chí không để sự nô lệ trở lại lần nữa. Với ý chí quyết tâm thà chết chứ không chịu làm nô lệ, nhân dân thành phố và miền Nam đã đi theo tới cùng của cuộc kháng chiến, chịu nhiều gian khổ hy sinh để ngăn chặn các bước tiến của kẻ thù.
Tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã kết gắn nhân dân Sài Gòn và cả Nam bộ để cùng đứng lên hướng về sự nghiệp kháng chiến, giành lấy độc lập tự do của dân tộc. Từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhân dân thành phố và miền Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, vừa kháng chiến ngăn chặn kẻ thù tại nội đô, vừa đùm bọc nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ, vừa là hậu phương lớn của chiến trường Nam bộ về sau.
Đồng bào Nam bộ đã đi vào kháng chiến sau ngày độc lập chỉ 3 tuần lễ và quân - dân Nam bộ đã không từ một hy sinh, mất mát nào để quyết giữ nền độc lập non trẻ mà sau 80 năm vừa giành được từ ngày 2-9-1945.
H.Q (*) Theo “Lịch sử Việt Nam”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065