VÀI SUY NGHĨ TỪ PHONG TRÀO
THI ĐUA LÀ YÊU NƯỚC
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Nhờ phong trào thi đua ái quốc lan rộng, cả tiền tuyến và hậu phương, sáu năm sau đó, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”… đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 65 năm đã đi qua, lời chỉ bảo của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua” vẫn còn nguyên giá trị và mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
THI ĐUA PHẢI BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ
Trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Người viết: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa" (*). Điều đó có nghĩa là thi đua gắn với yêu nước không thể nói suông, hô khẩu hiệu mà mỗi người phải “trở nên một chiến sĩ” với những hành động và việc làm cụ thể. Sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước không phải chỉ là khẩu hiệu kêu gọi, mà chính là việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể tiêu biểu, điển hình tiên tiến, xuất sắc. Một khi thi đua gắn với yêu nước sẽ tạo ra sự cộng hưởng, quy tụ sức mạnh của cả dân tộc.
Thi đua yêu nước gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: Tỉnh ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt nam tỉnh tuyên dương tập thể, cá nhân điển hình trong học và làm theo Bác năm 2013
Phong trào thi đua thể hiện trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với các nội dung thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở. Đó là, phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiên tai, hoạn nạn, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục và xây dựng xã hội học tập, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở…
KINH NGHIỆM TỪ PHONG TRÀO THI ĐUA
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Luật Thi đua - khen thưởng năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2005, hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác thi đua - khen thưởng ngày càng được hoàn chỉnh, công tác thi đua - khen thưởng đã đi vào nề nếp, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đề ra. Một trong những bài học kinh nghiệm qua tổ chức phòng trào thi đua đó là: Nêu cao vai trò của người cán bộ đứng đầu. Khi nói đến thi đua là nói đến phong trào; chúng ta thường vẫn có câu “cán bộ nào phong trào đó” với hàm ý đề cao về vai trò của người lãnh đạo, đứng đầu. Đối với người làm công tác thi đua, ngoài việc nắm vững các chủ trương đường lối của Đảng và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần có lòng nhiệt tình với công việc và phải có năng lực trong tổ chức phong trào, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc.
Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đã có những tiến bộ quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý thi đua, khen thưởng bằng luật. Hội đồng Thi đua - khen thưởng và bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp đã được củng cố kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua yêu nước đã gắn với việc học và làm theo Bác, trở thành một trong những tiêu chí thi đua trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được khen thưởng kịp thời. Những tiến bộ đó đã góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.
Đức Hồng
(*)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, trang 416-462
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065