ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN:
Tuyến vận tải quân sự độc đáo, sáng tạo
Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang tiến hành các hoạt động ôn lại và kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là sự kiện đã đi vào huyền thoại của lịch sử dân tộc: Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Những cựu chiến binh trên các đoàn tàu không số năm xưa thăm di tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: Internet
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, rất sáng tạo về chiến lược vận tải quân sự của chiến tranh cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Việc mở đường vận chuyển chi viện miền Nam và những chiến công về con đường biển mang tên Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Hồ Chủ tịch. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông được hình thành, tổ chức hoạt động theo chủ trương của Quân ủy Trung ương. Đây là tuyến đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, duy nhất có trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Tháng 1-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 xác định: Con đường giải phóng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng; miền Nam cần phải nhận được sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc, miền Nam phải có nhiều vũ khí để đánh giặc. Tháng 5-1959, Bộ Chính trị giao Bộ Quốc phòng tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”, mang phiên hiệu Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, chi viện chiến trường miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển vào Nam bộ. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 7-1959, Tổng Quân ủy (từ năm 1961 là Quân ủy Trung ương) quyết định tổ chức đường vận chuyển chiến lược trên biển và thành lập Tiểu đoàn 603 dưới danh nghĩa “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Ngày 23-10-1961, Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 97/QĐ về việc thành lập Đoàn 759. Bộ Quốc phòng bổ nhiệm thượng tá Võ Bẩm, Phó Cục trưởng Cục Nông trường Quân đội, là người có nhiều năm công tác ở chiến trường miền Nam thông thuộc cả đường bộ, đường biển, được giao làm Tư lệnh Đoàn 759. Tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương ra nghị quyết về mở đường vận chuyển chiến lược trên biển, hướng đột phá là các tỉnh Nam bộ, tiếp đó phát triển ra Khu 6, Khu 5. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt và thể hiện quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược sáng tạo và độc đáo như một huyền thoại trên biển Đông mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển hình thành”.
Quá trình vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên biển, từ khảo sát nắm tình hình, tổ chức những chuyến đi thử nghiệm, trinh sát, đến việc xác định phương thức, phương tiện vận chuyển đã khó; việc sử dụng những con tàu không số bí mật theo con đường này càng khó khăn hơn, bởi trên biển không có vật che khuất như đường Hồ Chí Minh trên bộ; địch tăng cường bao vây, phong tỏa, kiểm soát nghiêm ngặt và số tàu vận chuyển của ta cũng ngày một nhiều hơn so với lúc đầu. Vì thế, sau sự kiện Vũng Rô (tháng 2-1965), yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch nắm được ý đồ của ta. Trong giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ (1965-1968), cán bộ, chiến sĩ ta phải chiến đấu nhiều trận rất quyết liệt và bị tổn thất, trong số 28 chuyến, chỉ có 7 chuyến vận chuyển vào được chiến trường. Tàu 165 gồm 18 người hy sinh đêm 1-3-1968. Tàu 235 gồm 14 chiến sĩ cùng thuyền trưởng Phan Vinh hy sinh đêm 27 rạng sáng 28-3-1968...
Những năm 1969-1972, ta tiếp tục phá thế phong tỏa của địch, đưa tàu ra xa tận vùng biển quốc tế, hòa vào các tuyến nhiều tàu thuyền các nước qua lại, vận chuyển khoảng 10 chuyến vào miền Nam. Tiếp đó, những năm 1973-1974, Quân chủng Hải quân sử dụng 380 lượt tàu vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí chi viện chiến trường. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Hải quân đã huy động 143 lần tàu, vận chuyển 8.721 tấn vũ khí cùng 50 xe tăng, pháo binh vào tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam (*).
So với đường Hồ Chí Minh trên bộ, khối lượng vũ khí vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên biển tuy ít hơn, nhưng chi viện kịp thời đến các vùng ven biển miền Trung và Tây Nam bộ, những nơi vận tải bộ chưa vươn tới. Những chiến công của từng chuyến tàu không số chi viện chiến trường thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong mọi tình huống; thể hiện tình đoàn kết quân dân, giữa cán bộ, chiến sĩ hải quân với các đơn vị, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vùng ven biển, nơi các bến bãi tiếp nhận vũ khí. Đây là con đường của ý chí và sức sáng tạo, độc đáo Việt Nam; kế thừa truyền thống sông biển oanh liệt của dân tộc và phát triển lên tầm cao mới trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Q.H (tổng hợp)
(*) Theo “Sự kiện và nhân chứng QĐNDVN”)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065