Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Phát biểu thảo luận tại tổ 18 (gồm các tỉnh Bình Phước, Cao Bằng, Hà Giang, Hậu Giang và Phú Yên), các vị Đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cũng như mục đích và yêu cầu về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết Trung ương 4) và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Về thẩm quyền và phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Văn Lợi cho rằng việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Hội đồng nhân dân… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức. Đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, như Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, Phó chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban nhân dân.
Về mức độ đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Văn Lợi không đồng tình với việc lượng hóa để xác định các mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, vì cho rằng tín nhiệm cao hay thấp phải dựa trên cơ sở của kết quả tỷ lệ phiếu tín nhiệm nhiều hay ít. Do đó, đề nghị trên phiếu chỉ nên có duy nhất một mức “tín nhiệm”, nếu đại biểu nào tín nhiệm thì đánh dấu vào ô đồng ý, còn đại biểu nào không tín nhiệm thì đánh dấu vào ô không đồng ý. Căn cứ vào tỷ lệ phiếu tín nhiệm để xác định người được lấy phiếu đạt tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp.
Về xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị quy định rõ việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm và quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đại biểu phân tích, dự thảo nghị quyết quy định: Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn... khi có một trong các trường hợp sau đây: a) Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm; b) Khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; c) Khi có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; d) Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; đ) Người được lấy phiếu tín nhiệm 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. Trong các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trên đây, hầu như chưa được quy định cụ thể quy trình thực hiện, kinh nghiệm cho thấy việc tập hợp 20% đại biểu kiến nghị là rất khó và không có quy định cụ thể để thực hiện. Như vậy việc lấy phiếu tín nhiệm cũng chỉ mang tính hình thức khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm chưa được quy định rõ ràng, khả thi.
Qua đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng kiến nghị việc xem xét lại quy trình lấy phiếu tín nhiệm và xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm và đề xuất chỉ cần lấy phiếu Có bỏ phiếu tín nhiệm hay không bỏ phiếu tín nhiệm; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm hay được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp cuối năm; đồng thời quy định rõ quy trình xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm đó ngay trong kỳ họp tiếp theo.
Theo chương trình nghị sự, ngày 21-11-2012, Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065