Sau một tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với những nội dung chủ yếu sau:
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội đã có chuyển biến nhất định.
Đoàn ĐBQH "ấn nút" biểu quyết thông qua Nghị Quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp trong phiên bế mạc (23-11-2012)
Trên cơ sở báo cáo của Chính Phủ và ý kiến phát biểu của đại biểu, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2013 với mục tiêu tổng quát: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Các mục tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%.Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.
Để thực hiện các mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện tám nhóm giải pháp về tài chính tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, hàng xa xỉ, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Về ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013
Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 498 ngàn tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó: Thu nội địa ước đạt 63,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 99,6% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,9% dự toán.
Tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 643 ngàn tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 127,9 ngàn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng (tám trăm mười sáu ngàn tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu của ngân sách Trung ương 519.836 tỷ đồng; nguồn thu của ngân sách địa phương là 489.759 tỷ đồng (bao gồm 193.595 tỷ đồng bổ sung, cân đối có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương). Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng (chín trăm bảy mươi tám ngàn tỷ đồng). Trong đó, chi ngân sách Trung ương là 681.836 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương là 489.759 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng (một trăm sáu mươi hai ngàn tỷ đồng), tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Về công tác xây dựng pháp luật:
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 9 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi; Luật Dự trữ quốc gia và Luật Thủ đô).
Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 6 dự án luật, gồm: Luật Khoa học và công nghệ; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, kịp thời chỉnh lý các dự án Luật này để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII thu hút sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí (trong ảnh: Họp báo tại trung tâm báo chí - Kỳ họp thứ tư )
Ngoài ra, tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013; Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại; Nghị quyết về công tác tư pháp và Nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII.
Về hoạt động giám sát:
Cùng với việc xem xét và thảo luận về các báo cáo của các báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; Xem xét và thảo luận các các báo cáo của Chính phủ, tại kỳ họp này Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của các Bộ trưởng trong các lĩnh vực quản lý như: các giải pháp để ổn định, khắc phục những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường hàng hóa; công tác quy hoạch và phát triển thủy điện. Công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình thủy điện; vấn đề tham nhũng, thất thoát trong ngành xây dựng; việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở. Công tác quản lý về thị trường tiền tệ; bảo đảm vốn cho sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu, những vụ việc tiêu cực trong ngành, vi phạm vượt trần lãi xuất quy định..., thị trường vàng, quản lý kinh doanh vàng. Việc đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh; công tác quản lý dược phẩm, giá thuốc, viện phí; hành nghề y, dược tư nhân, nhất là cấp phép hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài; tử vong ở trẻ em, sản phụ do chất lượng khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH. Nhìn chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã lựa chọn trúng vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Không khí chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm và có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Quốc hội đánh giá, đây là kỳ họp đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao trước nhân dân. Hầu hết nội dung của kỳ họp được tổ chức thảo luận công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Ngay sau kết thúc kỳ họp, các Đoàn ĐBQH khẩn trương về địa phương tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử theo luật định. Đoàn ĐBQH Bình Phước tổ chức tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh từ ngày 26-11 đến ngày 30-11-2012. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065