Với lợi thế địa bàn rộng, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, những năm qua các mô hình kinh tế trang trại ở Hớn Quản đã giúp nông dân vươn lên làm giàu nhờ nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Các trang trại đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Điều quan trọng là kinh tế trang trại đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tối đa hiệu quả của chính sách
Nhằm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển, những năm qua, Hớn Quản đã công khai bộ thủ tục hành chính về kinh tế trang trại, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế trang trại cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành nông nghiệp, lãnh đạo các xã và chủ trang trại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện để các chủ trang trại được tiếp cận vốn ưu đãi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhiều nông hộ trong huyện đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi heo, gà lạnh theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Ngoài tạo điều kiện cho trang trại phát triển, huyện Hớn Quản tiếp tục triển khai đề án chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã theo hướng hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng để tạo việc làm ổn định, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trang trại 5 ha của anh Trương Cường ở xã Đồng Nơ hơn 3 năm nay đã chuyển đổi từ cây cao su dần sang trồng dừa xiêm lùn, bưởi da xanh và mít Thái ruột đỏ ngắn ngày. Đây là các loại cây ăn trái nhanh có thu hoạch mà đầu ra đang ổn định, giá cao. Hơn nữa, đa dạng cây trồng sẽ đem lại nguồn thu xoay vòng ổn định cho gia đình anh. Mỗi năm từ vốn vay hàng trăm triệu đồng, anh Cường đã đầu tư khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng để đem lại thu nhập cao.
Hướng đến nông nghiệp giá trị cao
Hớn Quản có thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai, Hợp tác xã bưởi da xanh Bình Phước, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Quan. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như Khu nông nghiệp công nghệ cao xã Tân Hiệp quy mô 490 ha; Nông trại Việt Hà, xã An Khương quy mô 10 ha... Kinh tế tập thể phát triển, đến cuối năm 2019, huyện có 15 hợp tác xã, tăng 10 hợp tác xã so với đầu nhiệm kỳ, 24 tổ hợp tác nông nghiệp. Kinh tế trang trại có chuyển biến về số lượng và giá trị, toàn huyện đã có 490 trang trại, tăng 40 trang trại so năm 2015.
Huyện đã hình thành nhiều mô hình liên kết giữa hộ nông dân với các công ty nước ngoài, như C.P Thái Lan, Japfa Hà Lan... Nhiều nông hộ đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi heo, gà lạnh theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Song song đó, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Sở Khoa học và Công nghệ đang được thực hiện trên địa bàn, như trồng dưa lưới, bắp nếp trên đất ruộng gò vào mùa khô hay trồng rau rừng, rau an toàn trong nhà màng...
Hớn Quản có nhiều trang trại nhất tỉnh. Thời gian qua mặc dù dịch bệnh, giá cả xuống thấp nhưng kinh tế trang trại vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tạo điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện. Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Hớn Quản |
Gia đình anh Nguyễn Thành Quá, chủ trang trại chăn nuôi heo ở ấp 1, thị trấn Tân Khai đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi về đầu tư chuồng trại nuôi heo khép kín. Trên diện tích 6 ha, anh Quá đầu tư nuôi heo, thả cá, trồng cây ăn trái, cao su và cây xanh. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến phòng bệnh nên đàn heo lớn nhanh. Trang trại của anh không chỉ mang lại lợi nhuận cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Hay trang trại chăn nuôi gà thả vườn của gia đình anh Nguyễn Đỗ Tiến Dũng ở xã Minh Đức. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn nên việc chăn nuôi thuận lợi, mỗi năm anh xuất gần 10 ngàn con gà, thu nhập hơn 240 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.
Kinh tế trang trại đang chịu nhiều thách thức, đó là trình độ khoa học - kỹ thuật, thị trường đầu ra, vốn vay, cây giống trôi nổi, dịch bệnh, thiên tai. Để kinh tế trang trại ngày càng phát triển, Hớn Quản đang quan tâm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo điều kiện cho các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Hy vọng thời gian tới, nông nghiệp Hớn Quản, trong đó có kinh tế trang trại sẽ phát triển xứng tầm với tiềm năng, xứng đáng là một trong 4 địa bàn trọng điểm về phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065