BP - Dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, Đông Nam Á đã tăng trưởng thấp hơn dự báo. Dự báo tăng trưởng năm 2019 của toàn khu vực đã giảm từ 4,9% còn 4,8%. Trong đó, nhóm ASEAN 6 (gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam) thì 5 nước được dự báo có mức tăng trưởng thấp và sụt giảm - hệ lụy từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, duy nhất chỉ có Việt Nam được dự báo vẫn duy trì mức tăng trưởng như dự báo và tiếp tục dẫn đầu khu vực. Trước đó, số liệu tăng trưởng kinh tế năm 2018, Việt Nam vẫn dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng trung bình 7%, đứng thứ 2 là Philippines, thấp nhất là Singapore chỉ với 2,5%.
Điều đó đã minh chứng cho việc phát huy vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đó chính là sự cần thiết và đúng đắn nhằm góp phần bảo đảm công bằng xã hội; vì sự phát huy dân chủ, văn minh của đất nước, song vẫn giữ được bản sắc chính trị - xã hội của dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, để phục vụ cho những âm mưu đen tối của mình, các thế lực thù địch, phản động đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền chống phá, kêu gọi phải “tự do hóa hoàn toàn nền kinh tế”, “nhà nước không được can thiệp vào nền kinh tế quốc dân” hoặc “chỉ ở những chế độ độc tài, nhà nước mới quản lý nền kinh tế”...
Trong công cuộc đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường, Việt Nam đồng thời phải thực hiện nhiều sự chuyển đổi rất căn bản trong vai trò và chức năng của Nhà nước: Chuyển từ vai trò bao trùm của Nhà nước sang cơ chế phân vai giữa Nhà nước, doanh nghiệp và công dân, trong đó doanh nghiệp và công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, trong khi cơ quan nhà nước và công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (Nhà nước phục vụ). Chuyển từ Nhà nước được làm tất cả sang Nhà nước chỉ làm những gì xã hội không làm được hoặc không muốn làm, theo triết lý: Xã hội sinh ra Nhà nước, dùng tiền thuế để nuôi bộ máy nhà nước là để Nhà nước phục vụ xã hội thông qua việc làm những gì mà xã hội không làm được hoặc không muốn làm (Nhà nước cầm lái chứ không chèo thuyền). Chuyển từ quan hệ chủ yếu là một chiều giữa cơ quan nhà nước với công dân sang quan hệ tương tác giữa cơ quan nhà nước, công dân và tổ chức xã hội dân sự.
Quản lý nhà nước về kinh tế là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự thắng lợi của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay. Vì vậy, Nhà nước nhất thiết phải can thiệp vào quá trình vận động của nền kinh tế quốc dân vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, trong quản lý về kinh tế, Nhà nước có các chức năng cơ bản, đó là: Một, định hướng sự phát triển toàn bộ nền kinh tế, thông qua pháp luật, kế hoạch, chính sách, tài chính..., bảo đảm cho nền kinh tế phát triển năng động, toàn diện, vững chắc, đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Hai, trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực để dẫn dắt sự phát triển toàn bộ nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba, thiết lập khuôn khổ pháp luật, chính sách nhất quán để tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho giới kinh doanh làm ăn phát đạt. Bốn, hạn chế và khắc phục những tiêu cực của cơ chế thị trường. Năm, phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân theo định hướng lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, làm cho mọi người dân đều có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Sáu, quản lý, bảo vệ tài sản công; kiểm kê, kiểm soát, hướng dẫn toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, xuất phát từ sự có mặt của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, đây là lý do trực tiếp nhất khiến Nhà nước phải can thiệp vào nền kinh tế quốc dân. Kinh tế nhà nước bao gồm tài nguyên, dự trữ quốc gia về tiền, vàng, đá quý và vật tư, kết cấu hạ tầng, toàn bộ vốn nằm trong các doanh nghiệp. Nhà nước cần có kinh tế riêng để thực hiện kích thích hay cưỡng chế kinh tế. Nhà nước cần có lực lượng kinh tế để sản xuất và cung ứng những hàng hóa, dịch vụ mà khu vực tư nhân không làm được, đáp ứng toàn diện nhu cầu của toàn xã hội. Hơn nữa, Nhà nước cần có thực lực kinh tế để thực hiện chính sách xã hội. Do đó, Nhà nước phải quản lý đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, để xử lý những phát sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường, bảo đảm nền kinh tế thị trường phát triển đúng hướng. Vì cơ chế thị trường sẽ dẫn đến nhiều “khuyết tật” như: cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến mất cân đối vĩ mô, lạm phát, thất nghiệp, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, buôn gian bán lận, tham nhũng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị tàn phá. Vì vậy, sự quản lý nhà nước đối với kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cần thiết để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường, một mình doanh nghiệp không tự giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh. Do vậy, Nhà nước cần tác động nhằm điều chỉnh, giải quyết những ách tắc, trở ngại trong những hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là các vấn đề: hợp đồng và giải quyết các hợp đồng; khung pháp lý để các doanh nghiệp hoạt động không xâm hại lẫn nhau, tạo môi trường kinh tế thuận lợi và hành lang pháp luật an toàn cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Tóm lại, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề căn bản của triết lý phát triển ở Việt Nam hiện nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua là những minh chứng hùng hồn, không thể phủ nhận cho sự đúng đắn và sự cần thiết Nhà nước phải can thiệp, quản lý nền kinh tế quốc dân. Nó còn là những chứng cứ đanh thép đập tan các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, phản động đang ra rả đòi xóa bỏ vai trò quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn.
Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065