Năm 2019 sắp đi qua, năm 2020 đã cận kề, năm 2025 không còn xa và đến năm 2030 cũng chỉ là một chặng đường rất ngắn. Thậm chí đến năm 2045 cũng chỉ tương đương từ khi tái lập tỉnh Bình Phước ngày 1-1-1997 đến nay mà thôi. Làm thế nào trong khoảng thời gian ngắn ấy đạt được các mục tiêu to lớn như Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra, hẳn không phải dễ dàng, thậm chí với rất nhiều người còn chưa mường tượng ra được.
Trong thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng 4.0, cụm từ kinh tế số dần trở nên quen thuộc, song không phải ai cũng biết rõ kinh tế số là gì. Tại diễn đàn “Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Ứng dụng công nghệ số đang hiện hữu ngày một nhiều hơn, rõ hơn ở bất cứ đâu trong đời sống. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp cũng như bộ máy chính quyền xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số. Đơn giản như việc tưới nước cho vườn cây của người nông dân hay doanh nghiệp kiểm tra chất lượng nông sản đầu vào trước khi chế biến, đều ứng dụng công nghệ số. Kết quả là có các dữ liệu chính xác và được lưu trữ ngay cả trên chính sản phẩm bằng mã số, mã vạch. Vì thế, cuộc cạnh tranh giữa các nông dân trong nền kinh tế số hay cạnh tranh giữa các sản phẩm trên thị trường cũng ngày càng trở nên rõ ràng, minh bạch hơn...
Kinh tế số bao gồm tất cả lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng... mà công nghệ số được áp dụng. Các doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài gần đây liên tiếp bước chân vào thị trường Việt Nam, như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... với chiến lược chịu thua lỗ ban đầu để giành thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong lĩnh vực vận chuyển như Grab, Uber, các lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ lưu trú, lữ hành, tư vấn, giải trí... cũng đang bị doanh nghiệp của nước ngoài nhảy vào... Kinh tế số ngày một phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau.
Nghiên cứu của Google và Temasek (thuộc Bộ Tài chính Singapore) cho thấy, kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, theo nghiên cứu của tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, cách hiểu kinh tế số ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi.
Song dù hiểu như thế nào đi nữa, việc chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số là không thể không thực hiện. Và dù mục tiêu cao hay thấp, dễ hay khó, trong đó cũng có một điều không thể thiếu, không thể hiểu khác được, đó là phải có con người số, doanh nhân số, doanh nghiệp số, bộ máy số.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065