BP - So với nhiều huyện, thị trong tỉnh, tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bù Đăng được bê tông, nhựa hóa chưa nhiều. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách huyện khó khăn, từ vốn sự nghiệp giao thông và nguồn xi măng trả chậm của tỉnh, trong 2 năm (2015-2016) Bù Đăng đã làm được 84km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 11 tỷ đồng. Đặc biệt, cùng với phong trào làm đường, nhân dân Bù Đăng còn đóng góp trên 8 tỷ đồng làm 233,22km đèn đường… Huy động được nguồn lực nhân dân lớn trong điều kiện Bù Đăng không phải là huyện giàu là bài học, kinh nghiệm quý cho các huyện, thị trong xây dựng nông thôn mới (NTM ).
RỘNG, DÀI NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THÔN
Đưa chúng tôi đi trên con đường trải nhựa phẳng lì vừa được đầu tư làm mới, bà Nguyễn Thị Lê, Phó trưởng thôn 1, xã Minh Hưng phấn khởi nói: “Đây là đường 1235, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống các hộ dân hai bên đường còn nghèo và nhiều khó khăn. Tuyến đường dài 4,2km xuống cấp nhiều năm và để có thể bê tông hay nhựa hóa là vấn đề lớn đối với người dân trong vùng”. Tuy nhiên, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, qua tuyên truyền, vận động, cuối năm 2016, tuyến đường đã hoàn thành với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp 1,8 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh và huyện. Tuyến đường này rộng 9m, trong đó phần trải nhựa 3,5m. Để có tuyến đường thênh thang rộng mở, hàng chục hộ dân hai bên đường phải tự giải tỏa, lùi sâu vào 2m, hiến hàng trăm cây trồng như cao su, điều, cà phê đang cho thu hoạch. Nhiều hộ dân phải đập hàng rào, cổng...
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bù Đăng giúp nhân dân xã Minh Hưng làm đường giao thông nông thôn
Ông Trần Văn Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã Minh Hưng cho biết: “Đến nay, Minh Hưng đã bê tông, nhựa hóa và làm đường cấp phối sỏi đỏ được 57,4km, đảm bảo không có đường lầy lội vào mùa mưa. 12km đường bê tông xi măng được làm theo cơ chế đặc thù trị giá 6 tỷ 55 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp cát, đá, ngày công trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Có đường thông hè thoáng, nhân dân Minh Hưng tự nguyện đóng góp gần 1 tỷ đồng làm 14km đèn đường”.
Tuy không phải là xã điểm, nhưng Bom Bo được đánh giá làm tốt việc huy động sức dân xây dựng NTM ở huyện Bù Đăng. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay, 7km đường ĐT750 qua địa bàn xã, 5km đường liên xã, 400m đường nội ô trung tâm cụm xã, 10km đường liên thôn, ngõ xóm, nội đồng đã được bê tông, nhựa hóa. Đường mở tới đâu, hệ thống đèn chiếu sáng “mọc” lên tới đó. Hơn 2 năm qua, người dân Bom Bo đã đóng góp 700 triệu đồng xây dựng 18km đèn đường. Hiện nay, UBND xã chỉ đạo ban quản lý các thôn tiếp tục vận động nhân dân kéo thêm một số tuyến đường đông dân cư có điện lưới đi qua, nhằm đáp ứng việc đi lại vào buổi tối và góp phần giảm tệ nạn trộm cắp, tai nạn giao thông. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân thị trấn Đức Phong cũng đóng góp cùng Nhà nước xây dựng 6.243m đường giao thông nông thôn và gần 6km đèn đường...
Ông Phan Minh Lâm, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bù Đăng cho biết: “Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn huyện có 379,212km đường bê tông nhựa, láng nhựa và bê tông xi măng; 704,244km đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất. Triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Bù Đăng không có khả năng đối ứng đá, cát như các huyện, thị khác trong tỉnh. Bởi vậy, chỉ từ nguồn xi măng trả chậm của tỉnh, huyện huy động người dân và doanh nghiệp đối ứng đá, cát và ngày công xây dựng. Năm 2016, từ 2.518 tấn xi măng tỉnh cấp, các xã, thị trấn huy động trên 8 tỷ đồng làm được 15,632km đường bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân trong vùng”.
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?
Bù Đăng là huyện nông nghiệp, đời sống người dân còn nghèo, trong khi kết cấu hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, nhất là đường giao thông và điện chiếu sáng. Để huy động tối đa nguồn lực trong dân cùng nhà nước xây dựng NTM, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có sự tính toán phù hợp cho từng vùng, đối tượng cụ thể.
Đoàn thanh niên và dân quân xã Minh Hưng hỗ trợ người dân làm đường
Ông Trần Văn Tuyển, Phó chủ tịch UBND xã Minh Hưng cho biết: “Để có được cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm như ngày hôm nay, cả hệ thống chính trị ở xã Minh Hưng đã vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân thấy được xây dựng NTM là chương trình của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, không vì thế mà huy động quá sức dân”. Đảng ủy, UBND xã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải noi gương làm trước. Mỗi hội, đoàn thể phụ trách một công việc riêng. Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách tỉnh, huyện có hạn, để hoàn thành tiêu chí giao thông, Minh Hưng ưu tiên lựa chọn những thôn, ấp có khả năng đối ứng làm trước. Mỗi công trình hoàn thành, các thôn tổ chức lễ khánh thành, mời đại diện các thôn, ấp khác đến tham dự để tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Về huy động sức dân, tùy từng đối tượng, hoàn cảnh gia đình, xã huy động đóng góp khác nhau. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giảm ½ so với hộ người Kinh. Hộ nghèo, cận nghèo được miễn hoàn toàn. Ngoài ra, Huyện đội Bù Đăng còn đưa cán bộ, chiến sĩ cùng với đoàn thanh niên, lực lượng dân quân thường trực của xã thay phiên xuống các thôn, ấp cùng người dân làm đường... Cuối năm 2016, xã Minh Hưng được công nhận đạt chuẩn NTM. Cách làm của Minh Hưng được nhiều xã, thị trấn trong và ngoài huyện tham quan, học tập.
“Để thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM, huyện thành lập Ban chỉ đạo do Phó bí thư Thường trực Huyện ủy làm trưởng ban. Hằng quý, ban chỉ đạo họp nắm tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình. Đặc biệt, 2 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 cũng nhấn mạnh vấn đề này. Theo đó, chương trình được đưa vào nghị quyết hằng năm và các kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện... Để huy động tốt sức dân phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân” - ông Lê Viết Diện, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng đường giao thông và điện chiếu sáng nông thôn huyện Bù Đăng cho biết. |
Về kinh nghiệm huy động nhân dân làm đèn đường, để có được kết quả khả quan này, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong huyện đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa cũng như lợi ích thiết thực việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường mang lại. Đồng thời tuyên truyền nhân dân phát huy tinh thần làm chủ trong việc bàn bạc, quyết định, lựa chọn cách làm thiết thực, hiệu quả. UBND xã và ban quản lý các thôn, ấp hướng dẫn người dân tổ chức họp bàn, có văn bản thống nhất chủ trương, cách thức vận động cũng như mức đóng góp cụ thể đối với từng đối tượng. Đặc biệt, các xã, thị trấn luôn tranh thủ uy tín của già làng, người có uy tín để tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia.
Năm 2014-2015, quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện được nâng cấp, mở rộng, nhân dân ở 2 bên đường đóng góp tiền, ngày công lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dài hàng chục kilômét tạo diện mạo mới cho trục giao thông chính của huyện. Phong trào làm đèn đường từ đó lan tỏa rộng khắp các khu dân cư... Từ những thuận lợi này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Đăng đã xây dựng chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 về “Tăng cường thực hiện xã hội hóa xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện các dự án nhằm tăng nguồn thu sử dụng đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng” nhằm tích cực phát huy hơn nữa mọi nguồn lực xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng. Huyện ủy Bù Đăng đề ra mục tiêu đến năm 2020 cứng hóa trên 70% đường thôn, ấp ở các xã xây dựng NTM giai đoạn 1 và 2; cứng hóa trên 30% đường thôn, ấp đối với các xã xây dựng NTM giai đoạn 3. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hệ thống chiếu sáng 2 bên đường các điểm dân cư tập trung đạt trên 80%. Để sớm hoàn thành chỉ tiêu nhằm thực hiện tốt chương trình đột phá, năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra nghị quyết thực hiện thêm 100km đường điện chiếu sáng đường nông thôn. Tính đến ngày 31-7, các xã, thị trấn đã thực hiện 23,08km, trị giá 1,184 tỷ đồng...
Thực tế xây dựng NTM ở Bù Đăng cho thấy, muốn huy động mạnh mẽ sức dân, phải tuyên truyền vận động tốt, bảo đảm công khai, dân chủ, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065