Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, giáo dục nước ta đã đạt những kết quả rất đáng tự hào. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã xếp học sinh Việt Nam đứng thứ 8/70 nước về khoa học, thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều đổi mới, cả nước có 26 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện tự chủ. Việt Nam có 5 trường đại học trong số 400 trường đại học hàng đầu châu Á và là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu ở Đông Á...
Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp xu thế của thời kỳ hội nhập như thứ hạng của các trường đại học Việt Nam rất thấp trong khu vực; nguồn nhân lực đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, nhu cầu nhân lực các trường sư phạm chưa sát thực tế; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cạnh tranh thị trường lao động quốc tế; đổi mới sách giáo khoa phổ thông chưa đúng lộ trình, cơ chế xét công nhận giáo sư, phó giáo sư chưa phù hợp, gây bức xúc dư luận...
Từ thực trạng nêu trên, Thủ tướng đã kết luận nhiều vấn đề quan trọng như tập trung rà soát lại đội ngũ giáo viên. Sắp xếp lại các cơ sở giáo dục để đào tạo, đào tạo lại, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Hoàn thiện cơ chế tự chủ đại học công lập nhằm phát huy nội lực, tính chủ động, sáng tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Kết luận của Thủ tướng một lần nữa cho thấy chủ trương của Đảng ta về giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì đổi mới GD-ĐT càng trở nên quan trọng. Đây cũng là cơ hội, động lực để ngành giáo dục nước nhà thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về giáo dục, về tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, đào thải những “hạt sạn” ra khỏi ngành...
Những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, ngành giáo dục Bình Phước cũng đã đạt nhiều thành tựu đáng mừng, trong đó nổi bật nhất là công tác đào tạo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện Bình Phước có 103/461 trường đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, Trường THPT chuyên Quang Trung luôn đứng top đầu các trường THPT cả nước về chất lượng đào tạo và tỷ lệ đậu đại học. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19-2018, em Nguyễn Văn Thành Lợi, Trường THPT chuyên Quang Trung đã xuất sắc đạt huy chương vàng. Bên cạnh những thành tựu nêu trên, giáo dục Bình Phước vẫn còn tồn tại một số hạn chế chung cùng cả nước nên kết luận của Thủ tướng sẽ là kim chỉ nam cho giáo dục Bình Phước vươn lên.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065