BP - Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) là phác họa hệ thống CQĐT của một địa phương. Kiến trúc CQĐT là bộ khung căn bản để làm cơ sở xây dựng CQĐT. Để thực hiện chính phủ điện tử, mỗi địa phương xây dựng kiến trúc CQĐT phù hợp điều kiện thực tiễn của mình, như hạ tầng công nghệ thông tin, bộ máy hành chính... Và ngày 2-11-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm ký ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước.
Theo đó, CQĐT là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. CQĐT của Bình Phước cũng trải qua 4 giai đoạn phát triển như mặt bằng chung hiện nay, gồm: giai đoạn 1 - thông tin, giai đoạn 2 - tương tác, giai đoạn 3 - giao dịch, giai đoạn 4 - chuyển hóa. Việc xây dựng kiến trúc CQĐT ở các cấp giữ vai trò quan trọng trong phát triển CQĐT.
ÁP DỤNG ĐỒNG BỘ TỪ TỈNH ĐẾN XÃ
Mục đích xây dựng kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu các sở, ngành, các địa phương nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ và kiến tạo; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế; đề xuất danh mục các chương trình, nhiệm vụ cần triển khai để cơ bản hoàn thành hệ thống CQĐT tỉnh Bình Phước vào năm 2020 và lộ trình triển khai các dự án này.
Phạm vi áp dụng là toàn bộ cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm: HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, HĐND và UBND cấp huyện, HĐND và UBND cấp xã.
Mô hình khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước
Hiện nay, CQĐT trên địa bàn tỉnh đang phát triển trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 2 - tương tác và có một số tiêu chí đạt giai đoạn 3 - giao dịch. Quyết định số 2523/QĐ-UBND cũng nêu lên hiện trạng cụ thể về tất cả yếu tố phát triển CQĐT trên địa bàn tỉnh, gồm người sử dụng, kênh truy cập, dịch vụ nghiệp vụ, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng nền tảng, hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất.
3 GIAI ĐOẠN CỤ THỂ TRIỂN KHAI
Lộ trình triển khai xây dựng CQĐT của Bình Phước như sau:
Giai đoạn 1 từ 2018-2019: Nhiệm vụ trọng tâm là nâng cấp, mở rộng trục tích hợp dịch vụ hiện có trên cơ sở chuẩn hóa công tác quản lý, lưu trữ, trao đổi dữ liệu theo các tiêu chuẩn được quy định trong khung kiến trúc CQĐT và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Căn cứ khả năng bố trí vốn, đầu tư xây dựng một số hệ thống ứng dụng nghiệp vụ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ban, ngành; tập trung ưu tiên các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đất đai, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, tư pháp. Xây dựng các dịch vụ nền tảng, các cơ sở dữ liệu, danh mục dùng chung (tập trung vào các hệ thống phục vụ ứng dụng nghiệp vụ của các lĩnh vực); các phần mềm lõi dùng chung đảm bảo tính liên thông nghiệp vụ. Nâng cấp hệ thống một cửa điện tử liên thông theo định hướng mới của Chính phủ, hướng đến mô hình tổ chức, hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung. Đào tạo công dân điện tử thí điểm tại một số thị xã/huyện trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Bình Phước có tổng 1.653 thủ tục hành chính. Trong đó, số dịch vụ công cung cấp ở mức độ 1 có 11 thủ tục, mức độ 2 có 1.435 thủ tục, mức độ 3 có 136 thủ tục và 71 thủ tục ở mức độ 4. |
Nhiệm vụ xem xét triển khai là nâng cấp cổng thông tin điện tử, cổng giao tiếp dịch vụ công của tỉnh, các trang thông tin điện tử của các cơ quan đơn vị nếu cần thiết để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đầu tư mở rộng triển khai ứng dụng chữ ký số đến UBND cấp xã và các đơn vị trực thuộc cấp sở; tiếp tục nâng cấp, sửa chữa duy trì, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đảm bảo an toàn thông tin tại trung tâm dữ liệu và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sẵn sàng kết nối phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức các cấp; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin cho các cơ quan; xây dựng và phát triển đội ngũ lãnh đạo công nghệ thông tin các cấp...
Giai đoạn 2 từ 2019-2020: Nhiệm vụ là xây dựng hệ thống, nền tảng kết nối quy mô địa phương và hệ thống kho dữ liệu báo cáo, thống kê. Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành dựa trên nền hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý nhà nước tỉnh Bình Phước. Mở rộng, phát triển các dịch vụ công trực tuyến từ mức 3 lên mức 4 cho các lĩnh vực thường xuyên có giao dịch. Kiểm tra, duy trì, nâng cấp mạng WAN đảm bảo băng thông kết nối, ổn định thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh phục vụ triển khai các hệ thống ứng dụng mới. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại trung tâm dữ liệu đảm bảo sẵn sàng đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng, cơ sở dữ liệu mới. Đào tạo công dân điện tử thí điểm thị xã/huyện khác trên địa bàn tỉnh...
Giai đoạn 3 từ năm 2021: Các nhiệm vụ gồm xây dựng, hoàn thiện các hệ thống ứng dụng báo cáo, tổng hợp động, hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống/nền tảng kết nối quy mô địa phương, đảm bảo khả năng chia sẻ tích hợp dữ liệu trọn vẹn với các ứng dụng chuyên ngành của tỉnh và các ứng dụng của ngành dọc. Xây dựng các hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ, hệ thống quản lý, giám sát hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là các hệ thống giám sát an ninh, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Xây dựng trung tâm hỗ trợ dịch vụ của tỉnh, các hệ thống hỗ trợ truy nhập của người dân vào hệ thống dịch vụ của cơ quan chính quyền. Triển khai rà soát, đánh giá các hoạt động đã thực hiện, tiếp túc xây dựng kế hoạch cho các năm tiếp theo...
Quyết định số 2523/QĐ-UBND của UBND tỉnh cũng đề ra các nhóm giải pháp về tài chính, tổ chức thực hiện, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, quản lý...
H.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065