BP - Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2019, cả nước có 21.990 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2018. Những doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề: bán buôn, sửa chữa ôtô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tư vấn, thiết kế... Tình trạng nêu trên gây nhiều hệ lụy cho xã hội, như thị trường bị lũng đoạn; phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, người lao động; gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội...
Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách trong thu hút đầu tư để thành lập doanh nghiệp nhưng không phải để kinh doanh, mà nhằm gian lận hóa đơn, mua bán hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, giải pháp tiên quyết vẫn là ngành thuế phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng hóa đơn điện tử, có mã xác thực của cơ quan thuế. Vì chỉ có như vậy, toàn bộ giao dịch mới được kiểm soát kịp thời, đầy đủ khi hóa đơn điện tử đi qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Từ đó, giúp cơ quan thuế và các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở dữ liệu phân tích, đánh giá những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao dịch để phân loại, kịp thời xử lý khi phát hiện sai phạm.
Ở Bình Phước, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 530 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến 27 doanh nghiệp đăng ký giải thể và 149 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy không có con số thống kê cụ thể nhưng chúng ta dễ nhận thấy, trong số những doanh nghiệp giải thể hay ngừng hoạt động này có không ít doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Những năm gần đây, ngành thuế tỉnh liên tục tổ chức các hội nghị tập huấn về chính sách thuế mới cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong đó, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh nắm bắt các quy định mới về thuế và nâng cao kiến thức, kỹ năng về chế độ kế toán, ngành còn tập trung hướng dẫn những nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; trả lời những vướng mắc liên quan đến việc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã và không có mã xác thực của cơ quan thuế; cách lập báo cáo tài chính; cách ghi chép, điều chỉnh giữa chi phí tính thuế và chi phí kế toán... Nhờ đó, số doanh nghiệp giải thể và ngưng hoạt động ngày càng giảm, riêng 6 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp ngưng hoạt động giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Để giảm thiểu số doanh nghiệp được thành lập với mục đích trục lợi từ chính sách của Nhà nước, bên cạnh đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử, rất mong ngành thuế quan tâm theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp đến từng người nộp thuế; thực hiện cưỡng chế nợ thuế thông qua phong tỏa tài khoản, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp nợ thuế quá hạn hoặc có biểu hiện trốn thuế. Đồng thời phối hợp cùng các ngành chức năng thường xuyên tổ chức hoạt động “hậu kiểm” để nắm bắt thực trạng hoạt động của doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, kịp thời có giải pháp xử lý khi phát hiện sai phạm.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065