BP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại khá nhiều lò gạch thủ công hoặc lò gạch thủ công có cải tiến. Ngoài những đơn vị được cấp phép khai thác đất làm gạch, vẫn còn một số lò gạch tự phát của người dân ở các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh... Tại huyện Lộc Ninh, có 15 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất gạch nung. Tuy vậy, qua kiểm tra đã có 14 đơn vị xây dựng lò gạch không đúng giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Tại thị trấn Tân Khai (Hớn Quản) việc khai thác đất làm gạch cũng đang diễn ra hằng ngày. Do việc kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở không chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng nhiều lò gạch sau khi lấy hết đất sét không hoàn thổ, để lại những hố sâu không được rào chắn rất nguy hiểm, dẫn đến chết người do bị rơi xuống hố.
Lò gạch thủ công là “thủ phạm” đã gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường, cộng đồng và xã hội. Khi lò gạch thủ công vận hành sẽ tạo ra các loại khí cực độc, cùng các loại bụi và bụi siêu mịn, ảnh hưởng trực tiếp đến cả người lao động tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư vùng lân cận. Khí độc và khói bụi gây ra những bệnh nan y như ung thư, lao phổi cho người dân xung quanh. Nguy hiểm là vậy, nhưng xuất phát từ nhu cầu vật liệu xây dựng, nhất là lợi nhuận kinh tế nên hiện nhiều nơi vẫn tồn tại các lò gạch thủ công. Mặc dù công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay đã rất phát triển, nhưng lò gạch thủ công vẫn tồn tại là điều không thể chấp nhận được.
Ngày 10-9-2018, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ, với thời hạn chót ngày 31-12-2018. Thế nhưng đến nay nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước vẫn chưa “khai tử” hết lò gạch thủ công, thủ công cải tiến. Để thực hiện nghiêm quy định pháp luật, chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện và xã phải kiên quyết “nói không” các lò gạch thủ công. Nếu còn để chúng tồn tại trong các khu dân cư thì còn nhiều gia đình có người bị bệnh, nhiều hộ bị mất đất sản xuất và các hệ lụy khác. Xóa bỏ lò gạch thủ công là chủ trương đúng đắn của Nhà nước để đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân trong khu dân cư. Chủ trương này cũng đã được người dân và các doanh nghiệp hoan nghênh, ủng hộ. Bởi tác động của nó không chỉ giúp môi trường trong sạch hơn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nâng cao công nghệ và chất lượng sản phẩm được tốt hơn.
Xóa bỏ tất cả lò gạch thủ công ở những nơi gần khu dân cư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung là việc làm rất cần thiết. Tuy vậy, để bảo đảm cuộc sống cho những người lâu nay mưu sinh dựa vào những lò gạch này, chính quyền phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương đến từng cơ sở sản xuất; giải thích rõ về những tác hại đến môi trường do hoạt động sản xuất gạch bằng lò thủ công gây ra và yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất dừng hoạt động, thực hiện tháo dỡ lò gạch. Ngoài ra, địa phương cần có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất lò gạch thủ công và lao động trong các cơ sở này chuyển đổi ngành nghề phù hợp, gắn với sự phát triển kinh tế của địa phương.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065