Hai xe chở quá tải dẫn tới tai nạn trên QL14 - Ảnh: B.L
Lái xe vi phạm, chủ xe cũng bị phạt
So với Nghị định số 171, trong Nghị định số 107 có rất nhiều quy định mới được bổ sung. Cụ thể là chủ xe cũng bị xử phạt chứ không chỉ người điều khiển xe. Khi xe chở quá tải 40-60% trọng lượng cho phép thì chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt 12-14 triệu đồng. Nếu chủ xe là tổ chức, doanh nghiệp thì sẽ bị phạt số tiền từ 24-28 triệu đồng. Mức phạt tăng tương ứng lên tới 32-36 triệu đồng với chủ xe khi chở quá trọng tải trên 100%. Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 171 thì mức phạt cao nhất đối với cá nhân chỉ là 4 triệu đồng và tổ chức là 8 triệu đồng cho hành vi này.
Còn đối với phương tiện cơi nới, nếu chở quá trọng tải thì sẽ bị tước giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, tem kiểm định trong 12 tháng và buộc phải điều chỉnh thùng hàng theo quy định. Cũng trong nội dung sửa đổi, theo quy định tại Nghị định số 107 thì người xếp hàng hóa lên xe ôtô tại các nhà ga, cảng biển, kho bãi... cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt. Mức phạt đối với cá nhân là 2 triệu đồng, tổ chức là 4 triệu đồng khi xếp hàng quá tải trên 40%.
Nghị định 107 cũng quy định nếu chủ hàng, các đơn vị bốc, dỡ hàng nếu quá tải lên xe cũng bị xử phạt. Bởi nếu chỉ chế tài đối với tài xế và chủ phương tiện thì không thỏa đáng. Tài xế chỉ là người làm thuê, nghe lời ông chủ để không bị mất việc. Việc chở hàng quá tải nhiều khi còn do chủ đích của chủ hàng và những người xếp dỡ hàng lên xe. Chính những người này quyết định tới việc đảo lộn số lượng hàng hóa nên phải xử phạt nặng.
Tuy nhiên, nghị định cũng có những quy định được xem là “cởi trói” khi giảm áp lực cho người lái xe chở hàng quá trọng tải chưa nghiêm trọng, như: không tước giấy phép lái xe khi chở quá trọng tải đến 30% (quy định hiện tại là tước giấp phép đến 1 tháng cho hành vi này). Nếu người điều khiển phương tiện chở quá tải đến 60% sẽ bị tước giấp phép trong 1 tháng, thay vì 2 tháng như hiện nay...
Mạnh tay siết “xe vua”
Khoản 7, Điều 24; Khoản 5, Điều 33 Nghị định số 107/2014/nđ-cp
7... Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 100% (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc).
5... Điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
|
Một điểm mới nổi bật nữa trong Nghị định số 107 là bên cạnh mức tăng nặng chế tài nhằm răn đe thì Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) được phép quyết liệt xử lý tình trạng cơi nới thùng xe để chở quá tải trọng. Đặc biệt là đối với các đoàn “xe vua”. Dư luận cho rằng, sự thành bại của cuộc chiến với xe quá tải, quá khổ phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của chính quyền các cấp, cụ thể là các lực lượng: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nếu các lực lượng này ở địa phương không thực hiện quyết liệt hoặc lơ là kiểm soát tải trọng thì sẽ không có kết quả tốt. Và “xe vua” vẫn tiếp tục hoành hành trên các tuyến đường.
Bộ GT-VT vừa cho biết, để triển khai thực hiện tốt Nghị định số 107, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trang bị thêm nhiều cân trọng tải di động để bảo đảm việc xử lý ở các điểm nóng được triệt để hơn. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, để những quy định trong Nghị định số 107 thực sự đi vào cuộc sống và là chế tài hữu hiệu thì ngành giao thông và công an cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết với tình trạng “xe vua” hoành hành trên khắp các nẻo đường trong cả nước. Chính vì sự buông lỏng cho “xe vua” hoạt động trong thời gian dài vừa qua mà xã hội đã phải gánh chịu biết bao tổn thất cả về sinh mạng và tài sản.
Đặc biệt, trong nội dung của Nghị định số 107 đã bổ sung các lỗi mới với mức phạt rất nặng và đủ sức răn đe, như: hành vi thay đổi kích thước của thùng xe tải hoặc tháo bớt ghế, giường nằm trên xe khách để vận chuyển hàng hóa, chở thêm người hay các hành vi như không niêm yết tên chủ xe, lái xe, số điện thoại đơn vị vận tải, khối lượng hàng hóa cho phép vận chuyển... cũng bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân và từ 2 đến 4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải. Cụ thể, tại Nghị định số 107 quy định như sau: Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô; từ 32 đến 36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại: Khoản 7, Điều 24; Khoản 5, Điều 33 nghị định này.
Với những quy định trên đây, hy vọng tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, “xe vua” hay người điều khiển phương tiện sử dụng bằng lái xe giả sẽ được ngăn chặn. Qua đó sẽ bớt nỗi buồn đau cho xã hội và giảm số người sáng đi làm nhưng chiều không trở về.
Hải An
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065