LTS: Thực hiện Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, trong các ngày 25-4-2012 đến 9-5-2012, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành tổ chức cho các Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị trong tỉnh và 2 đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và khối doanh nghiệp. Tổng số cử tri tham dự là 2.095 cử tri, trong đó có 147 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Tất cả những ý kiến này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổng hợp và dưới đây Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về nội những kiến nghị của cử tri Bình Phước đối với các bộ, ngành ở Trung ương.
* Về Kinh tế - đời sống:
Hiện nay, tình trạng phạm pháp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh đang gia tăng, trong đó có nguyên nhân từ văn hóa mạng, internet…, cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng mạng internet, đồng thời tăng cường hoạt động thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật để hướng thanh thiếu niên có lối sống lành mạnh hơn.
Cây điều là loại cây trồng đa mục đích, Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước. Tuy nhiên hiện nay, ngành điều đang gặp rất nhiều khó khăn về giá điều thô liên tục giảm trong nhiều năm, năng xuất thấp, giống thoái hóa, kỹ thuật canh tác và chế biến lạc hậu… diện tích trồng điều trong những năm qua giảm nhiều. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ người nông dân trồng điều của tỉnh Bình Phước được hưởng chính sách đặc thù cho cây điều và nghiên cứu, cung cấp giống điều mới có năng xuất cao để nhân giống cho từng khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất điều được đổi mới công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp do thiếu vốn và vướng mắc trong cơ chế hoạt động. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách cụ thể hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã và chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có giải pháp đồng bộ và chính sách tiền tệ, tín dụng lẫn tài khóa hỗ trợ cho cả cung và cầu bằng cách miễn, giảm thuế đối với các hợp tác xã đang hoạt động, giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, bảo lãnh tín dụng đối với các hợp tác xã đang gặp khó khăn nhưng có triển vọng khôi phục hoạt động, tái cơ cấu nợ đối với các hợp tác xã có thị trường tiêu thụ và năng lực cạnh tranh, có dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhưng đang bị thiếu vốn.
* Lĩnh vực đầu tư, tài chính.
Hàng năm, việc phân bổ vốn chương trình mục tiêu của Chính phủ về cho các địa phương được thực hiện rất chậm làm ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các chương trình mục tiêu ở địa phương. Nhiều công trình, dự án khi có vốn về thì đã bước vào mùa mưa, việc triển khai rất khó khăn và không hiệu quả. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có quan tâm chỉ đạo để nguồn vốn được phân bổ sớm ngay trong quý I để việc thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu thuận lợi và giải ngân đúng tiến độ.
Quá trình thực hiện nông thôn mới ở Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất là về kinh phí, đặc biệt là đối với các tỉnh đang phải cân đối ngân sách từ trung ương. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách trung ương, các nguồn còn lại như: ngân sách địa phương và khả năng huy động từ nguồn khác rất hạn chế. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu và bổ sung kinh phí cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
* Về cở sở hạ tầng:
Quốc lộ 13 và quốc lộ 14 là hai tuyến đường huyết mạch nối liền Bình Phước với các tỉnh hiện đang được thi công theo hình thức BOT. Tuy nhiên, hiện nay việc thi công hai tuyến đường này có tốc độ rất chậm do gặp khó khăn về vấn đề kinh phí. Bên cạnh đó, kinh phí dự án sử dụng cho việc thi công hai tuyến đường này chỉ áp dụng cho phần lòng đường chứ không bao gồm việc làm cầu. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ vốn cho việc xây dựng 2 tuyến đường này, bao gồm cả việc làm cầu để việc thi công nhanh chóng được hoàn thành.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư xây dựng chợ. Nguyên nhân do địa phương không có kinh phí mà việc kêu gọi các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư là rất khó vì hiệu quả của việc đầu tư thấp. Để đảm bảo nhu cầu giao thương của người dân, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
* Về giáo dục - đào tạo:
Tình hình giáo dục của nước ta hiện nay còn nhiều điểm bất cập như chương trình học phổ thông quá tải, trong khi một số loại hình đào tạo như đại học từ xa, học tại chức mang tính hình thức, chất lượng dạy và học không bảo đảm… Đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét cải cách lại nền giáo dục, đồng thời nghiên cứu giảm tải chương trình phổ thông, quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo đại học và sau đại học… nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà.
* Về phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực pháp luật, nhưng nạn tham nhũng vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi do các biện pháp chế tài của luật còn quá nhẹ, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Đồng thời thành lập Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương độc lập. Ở các vùng miền trên cả nước thành lập Ban Phòng chống tham nhũng khu vực.
* Về chính sách pháp luật
Theo quy định của Chính phủ về ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long thuộc tỉnh Bình Phước được liệt kê vào diện hưởng chính sách đầu tư như Tây Nguyên. Tuy nhiên đến nay, đề án “Cấp điện cho các khu vực tiếp giáp với Tây Nguyên và các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh” của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ vẫn chưa được phê duyệt. Đề nghị Chính phủ xem xét sớm phê duyệt riêng đề án này của Bình Phước để triển khai thực hiện sớm, thuận lợi cho việc đầu tư lưới điện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
ĐĐBQH
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065