Thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã cho phép một số công ty cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh (Công ty Cao su Lộc Ninh, Bình Long, Phú Riềng) chuyển đổi thành công ty TNHH MTV. Theo quy định trong nghị định này, tính độc lập và quyền hạn của các kiểm soát viên được nâng cao, nhưng cũng từ những quy định trên đã đưa họ vào thế “lực bất tong tâm”.
Một kiểm soát viên của một công ty TNHH MTV cho biết về những bất cập đối với công việc của mình như sau: Trước hết là theo quy định trong Nghị định 25, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm soát viên rất lớn, nhưng điều kiện để thực hiện quyền hạn, trách nhiệm ấy lại rất ít. Cụ thể là theo quy định tại khoản 2, điều 25, trong Nghị định 25 có quy định: “Kiểm soát viên có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại điều 71 Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty”. Từ quy định này, trong điều lệ của hầu hết các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu đều quy định những nhiệm vụ khá nặng nề cho kiểm soát viên. Về vấn đề này, có điều lệ của công ty đã quy định như sau: “Các kiểm soát viên bị bãi miễn nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, bao gồm các trường hợp: Thứ nhất là để sót, không phát hiện được các sai phạm, có hành vi thông đồng hoặc bao che cho các hành vi vi phạm nghĩa vụ quản lý công ty của hội đồng thành viên, các cán bộ trong bộ máy điều hành dẫn đến gây thiệt hại cho công ty và lợi ích của Nhà nước. Thứ hai là hoạt động không mẫn cán, không đành giá được tính hợp lý, hợp pháp của các chứng từ, hóa đơn sổ sách kế toán, các hợp đồng kinh tế và các văn bản hành chính cần kiểm soát…”.
Quy định thì như vậy, nhưng làm thế nào để kiểm soát viên không để sót, tức là phải phát hiện được tất cả các sai phạm trong công ty? Làm thế nào để kiểm soát viên phải “đánh giá được tính hợp lý, hợp pháp của các chứng từ, hóa đơn, sổ sách kế toán, các hợp đồng kinh tế và các văn bản hành chính của công ty”? Đó là những vấn đề không thể một cá nhân hay cả ba kiểm soát viên của công ty có thể làm được. Bởi với một doanh nghiệp với quy mô lớn, doanh thu mỗi năm tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thì phát hiện những sai phạm như quy định trên thì phài là cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc cơ quan điều tra với trình độ chuyên sâu, điều kiện làm việc đầy đủ và trong thời gian dài.
Bất cập thứ hai là trong khoản 3, điều 71, Luật Doanh nghiệp có quy định “Kiểm soát viên có quyền xem xét bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào của công ty tại trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty. Thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thực hiện quyền chủ sở hữu, về quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của kiểm soát viên”. Với quy định này thì quả là kiểm soát viên có quyền hạn rất lớn về việc tiếp cận thông tin, nhưng trên thực tế nó lại bị hạn chế khá nhiều bởi cụm từ “theo yêu cầu của kiểm soát viên”. Và như vậy là người quản lý, điều hành doanh nghiệp không có nghĩa vụ đương nhiên phải cung cấp các thông tin về quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp cho kiểm soát viên mà chỉ cung cấp “nếu kiểm soát viên có yêu cầu”. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, liên tục và trên nhiều địa bàn, làm thế nào kiểm soát viên có thể biết hết để mà yêu cầu?
Bất cập thứ ba là trong khoản 1, điều 25, Nghị định 25 quy định: “Chủ sở hữu công ty bổ nhiệm từ 1 đến 3 kiểm soát viên với nhiệm kỳ không quá năm; (…) Trường hợp bổ nhiệm từ hai kiểm soát viên trở lên thì chủ sở hữu cử một người phụ trách chung để lập kế hoạch công tác, phân công, điều phối công việc của các kiểm soát viên”. Các kiểm soát viên đều cho rằng, nhiệm kỳ ba năm là quá ngắn vì đề thực hiện được nhiệm vụ kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật, kiểm soát viên phải am hiểu tường tận về công ty. Trong khi đó, nhiệm kỳ của chủ tịch hội đồng thành viên hay tổng giám đốc công ty lại là 5 năm. Hơn nữa, nếu kiểm soát viên được chủ sở hữu điều từ nơi khác về để đảm nhiệm là kiểm soát viên chuyên trách của một công ty thì đến khi tìm hiểu được thực trạng quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý của đơn vị cần kiểm soát thì đã hết nhiệm kỳ.
Bất cập thứ tư là tại Khoản 2, Điều 26, Nghị định 25 quy định: “Hằng tháng, các thành viên chuyên trách của hội đồng thành viên, kiểm soát viên chuyên trách, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng được tạm ứng 70% của số tiền lương tạm tính cho tháng đó; số 30% còn lại chỉ được quyết toán và chi trả vào cuối năm. Hằng năm, các thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng được tạm ứng 70% tổng số tiền thưởng của năm; số 30% còn lại chỉ được quyết toán và chi trả sau khi kết thúc nhiệm kỳ;…”. Với quy định này, nếu kết quả xếp loại doanh nghiệp và kết quả đánh giá về quản lý, điều hành hoặc kiểm soát của hội đồng thành viên và từng thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng không đáp ứng yêu cầu theo quy định tại quy chế quản lý tài chính và quy chế giám sát, đánh giá thì những thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng không đáp ứng yêu cầu sẽ không được quyết toán 30% số tiền lương năm và không được hưởng 30% số tiền thưởng còn lại của nhiệm kỳ.
Quy định nêu trên chỉ phù hợp đối với các thành viên chuyên trách của hội đồng thành viên, như: Tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng nhưng không phù hợp đối với kiểm soát viên chuyên trách. Bởi lẽ, việc hoàn thành nhiệm vụ hay không của kiểm soát viên chuyên trách không gắn liền với việc hoàn thành các chỉ tiêu của sản xuất, kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận, hệ số bảo toàn vốn… Đó là chưa nói tới thu nhập của kiểm soát viên chuyên trách không thể bằng tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và kế toán trưởng, nhưng họ chỉ được lĩnh 70% lương hằng tháng thì làm sao có thể toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ…
L.G
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065