>> Bài 1: Quyền lực chính trị và cách thức kiểm soát
QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay
Hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước đầu tiên ở nước ta được khẳng định trong Văn kiện Đại hội IX: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực tiễn chỉ ra rằng vẫn xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực: chồng chéo, lạm quyền, lộng quyền, bỏ sót quyền. Vì vậy, đến Đại hội XI, Đảng đưa một nội dung mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Để hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả thiết thực, vấn đề đặt ra hiện nay là phải cụ thể hóa nguyên tắc nêu trên thành những cơ chế, thiết chế cụ thể. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền. Đồng thời, quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền; tiếp tục phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”...
Phương thức kiểm soát quyền lực từ bên ngoài nhà nước, được thực hiện thông qua các hình thức như bầu cử của cử tri; hoạt động kiểm tra của Đảng; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; hoạt động giám sát của các phương tiện truyền thông... Thực tế cho thấy, không ai giám sát bộ máy để giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn sự giám sát của chính người dân (thông qua các tổ chức, công luận, các hoạt động phản biện xã hội, khiếu kiện, tố cáo...). Để nâng cao hiệu quả của hình thức kiểm soát quyền lực này, trước mắt phải “Thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Điều đó đòi hỏi, một mặt phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao tính quần chúng, tính độc lập, chủ động, sáng tạo, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” của các tổ chức đó.
Vận dụng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay
Tham nhũng bắt nguồn từ quyền lực, hay nói cách khác, tham nhũng là do quyền lực tha hóa mà thành. Quyền lực bị tha hóa mà không bị kiểm soát sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cho nhân dân. Vì vậy, trao quyền lực, thực thi quyền lực đồng thời phải kiểm soát quyền lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ. Bởi vì, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người nhắc nhở: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Vì vậy, cần thực hiện “quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó”, “cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước chính là kiểm soát cán bộ: “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân, cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”. Vì vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả cao nhất.
Kiểm soát quyền lực phải trên cơ sở kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, “chống” phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy “chống” để “xây”. Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. Bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực cho mục đích vì lợi ích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền.
Do vậy, việc kiểm soát quyền lực trước tiên thuộc về cơ chế tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Họ phải tự thấy rõ đó là quyền lực của nhân dân, nhân dân trao cho họ, ủy quyền cho họ thực hiện vì mục đích chung, vì lợi ích của nhân dân; không phải là quyền lực riêng của họ, nên họ phải thực hiện đúng, đủ quyền lực, thực hiện đúng, hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được trao, không được lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Vì vậy, cán bộ và công tác cán bộ là công việc hết sức hệ trọng, quyết định sự thành - bại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, của Đảng ta.
Nhất Huy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065