QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ CÁCH THỨC KIỂM SOÁT
BP - Khái niệm về quyền lực chính trị (QLCT) là một trong những vấn đề khó khăn và gây nhiều tranh cãi nhất của khoa học chính trị. Việc xác định cho được thế nào là QLCT và cách thức kiểm soát QLCT trong xã hội hiện đại ngày nay đã và đang trở thành vấn đề quyết định phương hướng, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại.
QLCT, các yếu tố làm suy giảm QLCT hiện nay
QLCT là mối quan hệ về tâm lý, sự ảnh hưởng mà người thực thi quyền lực gây nên trong nhận thức đối với những người bị tác động. QLCT khởi nguyên là của nhân dân (cộng đồng), bởi vì cộng đồng người dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào đều được đặt dưới sự lãnh đạo, quản lý của một bộ máy (một người, một tổ chức, một cơ quan) có quyền lực nhất định. Về bản chất thì quyền lực không phải của bộ máy đó, mà do cộng đồng, nhân dân trao quyền, ủy quyền cho nó để sử dụng vì mục đích chung. QLCT được thể hiện dưới 2 cấp độ quốc gia và quốc tế.
Ở cấp độ quốc tế, QLCT là sức ảnh hưởng, sự áp đặt, điều khiển, dẫn dắt của quốc gia này đối với quốc gia khác hoặc tổ chức các quốc gia khác. Trường hợp Mỹ là một minh chứng điển hình. Khi nhắc đến QLCT của Mỹ tại Trung Mỹ, chúng ta nghĩ tới sự phù hợp trong hành động của các quốc gia này đối với ý chí, nguyện vọng của Chính phủ Mỹ. Bởi vậy, giới phân tích chính trị thế giới đã mặc nhiên thừa nhận khi cho rằng các quốc gia Trung Mỹ chính là “sân sau” của Mỹ.
Ở cấp độ quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, toàn bộ đời sống chính trị, từ cấp độ địa phương tới cấp độ quốc gia là sự tranh giành quyền áp đặt ý chí, nguyện vọng của nhóm mình, đảng phái mình, giai cấp mình lên các nhóm, đảng phái, giai cấp còn lại trong xã hội. Trong các giai đoạn tranh cử, bầu cử hội đồng lập pháp, trong các tranh tụng trước tòa, những quyết định hành chính và phương thức thực thi - trong tất cả hoạt động này - con người đều cố gắng duy trì hoặc thiết lập quyền lực của mình lên giai cấp khác.
Trong xu thế toàn cầu hóa, thế giới đa cực đang dần thay thế cho thế giới đơn cực đã lỗi thời, lạc hậu thì QLCT ngày càng suy giảm, xuất phát từ 2 căn nguyên. Thứ nhất, các triết lý về quan hệ quốc tế chiếm ưu thế trong suốt thời kỳ hòa bình của thế kỷ XIX vẫn giữ vai trò thống trị trong hầu hết suy nghĩ của chúng ta đối với các vấn đề về ngoại giao. Ngày nay, thật khó để quốc gia này dễ dàng chấp nhận sự áp đặt, sai khiến của quốc gia khác. Thứ hai, chính các bối cảnh chính trị và tri thức đặc biệt đã giúp định hình mối quan hệ giữa các cường quốc với phần còn lại của thế giới.
Cách thức kiểm soát QLCT
Nhà nước ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp giữa các giai cấp với nhau. Hình thức cơ bản nhất của kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước là sự kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đối với các nhà nước pháp quyền tư sản, hình thức phổ biến là tổ chức, kiểm soát quyền lực dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, mục đích chính là để tránh sự tha hóa quyền lực nhà nước, sự độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực. Nhưng thực hiện tam quyền phân lập cũng có những mặt trái của nó. Do đó, ở các nước phương Tây cũng xuất hiện quan điểm cho rằng không nên cường điệu ý nghĩa mang tính chất lý thuyết của thuyết phân lập các quyền. Hơn nữa, thuyết phân quyền của phương Tây không chỉ thuần túy ở khía cạnh kỹ thuật tổ chức - pháp lý, mà còn là đặc trưng xã hội - chính trị của nhà nước pháp quyền tư sản. Hay nói cách khác, không chỉ là phân lập các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn là việc phân chia quyền lực, phân bố quyền lực giữa các giai cấp và các nhóm xã hội, các lực lượng xã hội.
Nhà nước ta hiện nay là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia, chúng ta không tổ chức, kiểm soát quyền lực theo “cơ chế kiềm chế, đối trọng” giữa các cơ quan thực hiện quyền lực như các nhà nước pháp quyền tư sản.
Sự biến đổi của cách thức kiểm soát QLCT hiện nay
Trên bình diện quốc tế, QLCT đã có sự thay đổi rất căn bản trong cách thức kiểm soát. Ngày nay, sức mạnh quân sự vẫn là yếu tố không thể thiếu trong khẳng định QLCT của các quốc gia. Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế hiện nay, khái niệm “quyền lực mềm” đang được nhắc đến như một cách thức để khẳng định QLCT của quốc gia này đối với quốc gia khác. “Quyền lực mềm” là thứ QLCT được tạo ra bởi sức mạnh về kinh tế, sự ổn định chính trị, là bề dày, chiều sâu chất lượng của nền văn hóa, là chính sách ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo. Đó là thứ quyền lực “phi quân sự” nhưng lại có sức mạnh gấp nhiều lần sự răn đe quân sự, bởi lẽ, nó không chỉ khuất phục mà còn làm cho quốc gia khác phải thuần phục, tự nguyện phục vụ cho ý chí, nguyện vọng của nước mình. Về phương diện này, Trung Quốc chính là “bậc thầy” trong việc sử dụng “quyền lực mềm” để điều khiển quốc gia khác. Chiến lược “Vành đai - Con đường” chính là tham vọng để đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có QLCT độc tôn trên bàn cờ thế giới thế kỷ XXI.
Trên bình diện quốc gia, ở các nước tư sản, cách thức kiểm soát QLCT đã và đang thay đổi theo hướng thừa nhận rộng rãi hơn, đầy đủ hơn sự tham gia giám sát, kiểm soát của nhân dân. Ý kiến của nhân dân đã được nhà cầm quyền tôn trọng hơn thông qua trưng cầu dân ý, cho phép biểu tình, bãi công, tức người dân đã tham gia vào quá trình kiểm soát QLCT một cách thực chất, hiệu quả hơn và tiếng nói của người dân chính là một kênh rất quan trọng, không thể thiếu để nhà cầm quyền điều chỉnh các chính sách, cách thức sử dụng QLCT của mình. Điển hình là cuộc biểu tình của phe áo vàng ở Pháp vừa qua đã khiến Chính phủ phải tuyên bố chưa tăng giá nhiên liệu, đồng thời xem xét, khôi phục lại việc đánh thuế đối với những người có thu nhập từ 1 triệu euro trở lên (còn gọi là đạo luật thuế nhà giàu).
Vậy, QLCT và phương thức kiểm soát QLCT ở nước ta hiện nay được thực hiện như thế nào? Có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay? Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau: Quyền lực chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhất Huy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065