BP - Tại Điều 63 dự luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có quy định như sau: Người được bổ nhiệm Kiểm sát viên lần đầu phải tuyên thệ: 1) Tuyệt đối trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; 2) Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật; 3) Bảo vệ pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội; 4) Phấn đấu, rèn luyện, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; 5) Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật công tác và các nguyên tắc hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân.
Đây là một trong những quy định mới trong dự thảo luật này và tôi hoàn toàn ủng hộ quy định nói trên. Theo tôi thì lời tuyên thệ của người được bổ nhiệm làm kiểm sát viên chính là sự cam kết của cá nhân đó trước Nhà nước và nhân dân. Nội dung lời tuyên thệ của kiểm sát viên như trên đã thể hiện được các yêu cầu về tôn chỉ, mục tiêu, nhiệm vụ đối với mọi hoạt động của kiểm sát viên; cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và nguyên tắc, kỷ luật công tác của kiểm sát viên. Đồng thời, lời tuyên thệ của kiểm sát viên còn là lời thể hiện cho sự nỗ lực, quyết tâm của kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; là phương hướng cho hoạt động nghề nghiệp của kiểm sát viên.
Hiện nay “lời tuyên thệ” của kiểm sát viên không được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi). Tuy nhiên, trong lịch sử lập pháp nhà nước ta cho thấy, tại Sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946, có quy định bắt buộc: Thẩm phán xử án, Thẩm phán của Công tố viện phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức. Như vậy, quy định Thẩm phán của Công tố viện (kiểm sát viên ngày nay) phải đọc lời tuyên thệ khi nhậm chức đã có từ ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là quy định rất tiến bộ, thể hiện tầm nhìn sâu sắc và ý nghĩa chính trị to lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, đến Luật Tổ chức VKSND năm 1960 và các Luật Tổ chức VKSND năm 1981, 1992 và 2002 quy định này đối với kiểm sát viên không còn nữa. Trong khi đó, luật pháp một số nước trên thế giới đều quy định kiểm sát viên hay công tố viên khi nhậm chức phải đọc lời tuyên thệ.
Vì vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi thì việc dự thảo luật này đưa ra quy định trên trong điều kiện nước ta hiện nay là rất phù hợp, rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là lời tuyên thệ của kiểm sát viên ghi trong dự luật cần súc tích, cô đọng và ngắn gọn hơn cho dễ nhớ. Chẳng hạn, cần bỏ Khoản 3: Bảo vệ pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội. Vì quy định này đã có nội hàm trong nội dung các khoản 1, và 2. Hơn nữa lẽ phải và công bằng xã hội có khái niệm quá rộng, trong đó có nhiều nội dung không thuộc chức trách, nhiệm vụ của kểm sát viên nên không khả thi.
Bên cạnh đó, trong dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể về các chế tài đối với các kiểm sát viên không tuân thủ đúng theo lời tuyên thệ của mình thì họ sẽ bị xử lý như thế nào. Có như vậy thì quy định của pháp luật mới chặt chẽ, đảm bảo tính nghiêm túc và giá trị thực thi cao.
Như Nhất
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065