Bình Phước là tỉnh thuần nông với khoảng 80% dân số sống nhờ vào nông nghiệp. Vì thế, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Cán bộ khuyến nông là cầu nối giữa nhà khoa học - nhà nông và đồng hành cùng nông dân xây dựng nông thôn mới...
ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN KHUYẾN NÔNG
Ông Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Thông tin - chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (PTT), Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, cho biết: Để giúp nông dân nâng cao nhận thức chuyển đổi khoa học - kỹ thuật (KH-KT) trong trồng trọt, chăn nuôi, PTT đã phối hợp với đài truyền hình xây dựng chuyên mục khuyến nông, với thời lượng phát sóng 4 lần/tháng. Chuyên mục này đã chuyển tải các thông tin thị trường giá cả, đăng tải các bài viết KH-KT, bài phản ánh sản xuất nông nghiệp; đồng thời tuyên truyền chủ trương, chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến với người dân. Bình quân mỗi năm PTT in 2.400 tài liệu thông tin về công tác khuyến nông, tổ chức 4 hội thảo chuyên đề theo thời vụ. Để nông dân tiếp cận với các nhà khoa học nông nghiệp đầu ngành, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện đi lại, PTT cũng đã tổ chức 4 chương trình/năm, với chủ đề “Cùng nhà nông bàn cách làm giàu”.
Các tỉnh, thành bạn học hỏi mô hình trồng điều ghép tại trung tâm giống của tỉnh
Hàng năm, PTT còn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, hội viên câu lạc bộ khuyến nông để nắm bắt kịp thời các thông tin KH-KT áp dụng vào sản xuất; tổ chức cho nông dân, cán bộ khuyến nông tham quan, học hỏi mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh...
Ông Đạo cho biết thêm, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ KH-KT cho nông dân, PTT còn định hướng người dân sử dụng các biện pháp phòng dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường như sử dụng đệm lót sinh thái, chế phẩm sinh học, biogas trong chăn nuôi; phân sinh thái trong trồng trọt.
Ông Phạm Văn Hoang, Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư khẳng định: Những năm qua, PTT đã có nhiều chương trình, tuyên truyền sáng kiến KH-KT được nông dân trong tỉnh hưởng ứng, áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao và các tỉnh, thành đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
HIỆU QUẢ THỰC TIỄN
Gia đình ông Nguyễn Khắc Thược ở ấp 2, xã Minh Hưng (Bù Đăng) có 6 ha trồng điều, cà phê, nhưng do trồng độc canh nên năng suất chỉ đạt 1 tấn/ha. Năm 2005, khi có dự án trồng khảo nghiệm xen ca cao dưới tán điều (dự án Success Alliance - Việt Nam) đã tạo bước ngoặt trong sản xuất của gia đình ông. Nhờ cán bộ khuyến nông tỉnh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, lúc đầu ông Thược trồng 200 gốc ca cao xen điều, đến nay cây cho năng suất gấp 2 lần so với mùa thu hoạch đầu tiên. Hiện nay, gia đình ông Thược trồng xen 6 ha ca cao dưới tán điều, cà phê. Năm 2009, gia đình ông trồng xen canh thêm 2 ha gừng trong vườn điều. Đây là mô hình trồng xen canh 3 tầng trên cùng một diện tích, đem lại hiệu quả cao nhất cho nông dân.
Ông Thược phấn khởi cho biết: Nhờ được hưởng lợi từ nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất điều từ 1 tấn/ha đã tăng lên 2,5 tấn/ha. Được hưởng bóng mát từ tán điều, ca cao cũng cho năng suất 2 tấn/ha, gừng năng suất 6 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi 500-600 triệu đồng/6 ha điều, cà phê. “Mô hình xen canh 3 tầng” của gia đình ông Thược đã đón nhiều nông dân, cán bộ khuyến nông trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi.
Nhờ tham quan mô hình sản xuất của gia đình ông Thược và được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn, năm 2009, bà Vưu Thị Mai ở đội 3, ấp 3, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) đã trồng xen 2 ha ca cao dưới tán điều. Bà Mai cho biết: Do đất xấu nên trước đây năng suất điều chỉ đạt 7-8 tạ/ha, nhưng sau khi trồng xen ca cao năng suất đã tăng lên 1,5 tấn/ha. Vườn ca cao xen điều của bà Mai đã cho thu hoạch vụ đầu. Hiện nay, ở đội 3 đã có 34 ha ca cao xen dưới tán điều. Gia đình ông Lưu Chí Cường (50 tuổi), ngụ tổ 1, khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài), chỉ có 8 sào đất cằn nhưng ông đã trồng 300 cây bưởi da xanh, 1.500 cây quýt đường, thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ông Cường cho biết: “Tất cả nhờ tiếp thu KH-KT qua tuyên truyền khuyến nông”.
Năm 2007, anh Phan Thanh Hoàng ở thôn 7, xã Long Bình (Bù Gia Mập) đã đầu tư hơn 1.000 con gà giống để chăn thả dưới tán điều. Hai năm đầu do thiếu kinh nghiệm nên lợi nhuận chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với tính cần cù, ham học hỏi, đọc thêm sách báo và biết áp dụng tiến bộ KH-KT; đồng thời nhờ cán bộ khuyến nông tỉnh tư vấn về kỹ thuật, hỗ trợ giống, đến nay anh Hoàng đã tăng đàn gà lên 5.000 con/lứa; lợi nhuận bình quân 1,4-1,6 tỷ đồng/năm. Đây là mô hình nuôi gà ta thả vườn an toàn sinh học, được nông dân nhiều nơi đến tham quan, học tập.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065