Ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại buổi làm việc với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào sáng ngày 17-12-2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về phát huy vai trò doanh nhân”.
Từ nội dung của Nghị quyết 09-NQ/TW và lời khẳng định trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy vai trò của doanh nhân đã, đang được Đảng và Nhà nước đánh giá ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, nghị quyết đã nêu rõ: …Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, nhìn nhận về thực trạng của đội ngũ doanh nhân ở nước ta hiện nay, Bộ Chính trị đã đánh giá như sau: “Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội”.
Xuất phát từ tình hình thực tế của đất nước, thực trạng của đội ngũ doanh nhân hiện nay, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.
Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ được nêu tại nghị quyết là tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân. Trong đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư. Khuyến khích tư nhân góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.
Một trong những điểm mới được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt quan tâm và đồng tình cao là trong nội của Nghị quyết 09-NQ/TW đã đưa ra một nhiệm vụ cụ thể là: Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước….
Cũng theo nghị quyết, một nhiệm vụ quan trọng nữa được đặt ra là xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Bên cạnh đó là xây dựng các cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh. Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá tác động của chính sách phát triển doanh nghiệp của Quốc hội, hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Có thể khẳng định rằng, nội dung Nghị quyết 09-NQ/TW đã bao quát được những vấn đề lâu nay giới này mong muốn và kiến nghị, như: Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân…
Tuy nhiên, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, đội ngũ doanh nhân đang rất cần sự quan tâm của toàn xã hội bằng việc làm cụ thể là “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065