Chương trình “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo trên biên giới Lộc Tấn” của nhóm trẻ FPT
NƠI CÓ HỘI KHUYẾN HỌC ĐẦU TIÊN CỦA BÌNH PHƯỚC
Năm 2016, cả nước sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học (Bình Phước 13 năm 2003-2016). Thế nhưng, từ năm 1995, trên biên giới xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) những gia đình công nhân cao su ly quê đã thành lập hội khuyến học đầu tiên của Bình Phước, lấy tên là Hội Huynh đệ. Mùa xuân năm 2005, Hội Huynh đệ tròn 10 năm tuổi có 15 gia đình với 30 hội viên tình nguyện tham gia. Họ không phải người cùng quê hương, dòng họ và sinh sống ở nhiều xã, thị trấn của huyện Lộc Ninh nhưng đến với hội bằng tình “huynh đệ” và vì uy tín, chất lượng hoạt động của hội với mục tiêu lớn nhất ươm mầm thành đạt cho việc học của con em...
Ông Lê Chí Tân - người sáng lập Hội Huynh đệ và giữ chức Chủ tịch hội 10 năm (1995-2005) cho rằng, hiện Hội Huynh đệ hoạt động chỉ mang tính lấy lệ nhưng hiệu quả là kinh nghiệm thực tiễn cho các chi hội khuyến học ở Lộc Tấn kế tiếp. Lộc Tấn là 1 trong 2 xã ở Lộc Ninh được Trung ương Hội Khuyến học tặng bằng khen trong 5 năm 2010-2015 (Lộc Tấn, Lộc Thuận). Đơn cử, Hội Khuyến học dòng họ Lê Chí bắt đầu hoạt động từ năm 2002 đã đoàn kết vận động quỹ, khuyến khích con cháu học tập thành tài. Hội là điển hình của phong trào khuyến tài huyện Lộc Ninh trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, dòng họ Lê Chí có mức khen thưởng khích lệ con cháu học tập là: Đậu đại học, đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh có giấy khen thưởng 200 ngàn đồng; học sinh giỏi cấp 3 thưởng 150 ngàn đồng; cấp 2 là 100 ngàn đồng và cấp 1 là 50 ngàn đồng; bé khỏe - bé ngoan cấp tỉnh 30 ngàn đồng.
Dòng họ Lê Chí hiện chỉ có 25 hộ nhưng từ ngày thành lập đến nay, con cháu trong dòng họ đã có 25 em đậu các trường đại học, cao đẳng; 15 em học trung học. Niềm tự hào của dòng họ Lê Chí trên biên giới Lộc Tấn là nhiều gia đình có 4-6 con học đại học, thành tài trở thành doanh nhân thành đạt ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc giám đốc công ty có tiếng ở Bình Phước. Họ chính là những nhà hảo tâm hỗ trợ cho quỹ khuyến học - khuyến tài của dòng họ. Hiện dòng họ Lê Chí đang giúp đỡ 2 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó 1 cháu học Trường đại học Kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh, với mức 500 ngàn đồng/tháng và 1 cháu học cấp 2, mức 300 ngàn đồng/tháng.
Đến nay, trên địa bàn Lộc Ninh có 1.640 gia đình hiếu học. Các xã, thị trấn vận động tốt phong trào khuyến học là Lộc Tấn, Lộc Thuận, Lộc Ninh, Lộc Điền, Lộc Hiệp, Lộc Thạnh, Lộc Khánh. Có 8 dòng họ tổ chức hoạt động khuyến học: Họ Vi, họ Lộc (dân tộc Thái) ở Lộc Hiệp; họ Nguyễn, Trần, Mai (ở Lộc Điền); họ Lê Chí (Lộc Tấn); họ Võ, Nguyễn Ngọc (Lộc Khánh). Toàn huyện có 7 hội đồng hương xây dựng được quỹ khuyến học.
ƯƠM MẦM CHO ƯỚC MƠ HỌC TẬP
Phó chủ tịch UBND huyện Trần Thị Bích Lệ, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lộc Ninh khẳng định, từ năm 2010-2015 phong trào khuyến học ở Lộc Ninh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quỹ khuyến học thực sự “ươm mầm ước mơ” cho các cháu đến trường học thành tài. Đến nay, toàn huyện có 16 hội khuyến học cấp xã, thị trấn; 174 chi hội (tăng 64 chi hội so với đầu nhiệm kỳ), trong đó 118 chi hội ấp, khu phố và 56 chi hội trường học; 8 ban khuyến học dòng họ (tăng 3 dòng họ) với 10.256 hội viên, tăng 5.067 hội viên so với năm 2010 (đã có 8 dòng họ đăng ký gia đình, dòng họ hiếu học).
Trong 5 năm, Hội Khuyến học huyện đã vận động được 638,030 triệu đồng; các xã, thị trấn vận động 884,236 triệu đồng và các chi hội vận động 2 tỷ 48,866 triệu đồng. Hội Khuyến học huyện phối hợp với hội đồng giáo dục tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng 750 học sinh giỏi cấp huyện, 286 em giỏi cấp tỉnh; 85 giáo viên giỏi cấp tỉnh với tổng 157,7 triệu đồng. Hội cũng đã sử dụng quỹ hỗ trợ cho học sinh tham gia các cuộc thi ViOlympic toán học, tiếng Anh trên 15 triệu đồng.
Hội khuyến học các cấp đã phối hợp với hội chữ thập đỏ và các hội, đoàn thể đề nghị cấp hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh có thành tích trong học tập, góp phần xã hội hóa công tác giáo dục trên biên giới khó khăn. Ở các xã, thị trấn, các thôn, ấp, khu phố, hội khuyến học cũng đã tuyên dương giáo viên, học sinh giỏi, thi đậu đại học với 13.415 lượt, tổng trị giá 854,319 triệu đồng; hỗ trợ học sinh nghèo 10.113 lượt, tổng trị giá 1 tỷ 396,897 triệu đồng, tặng 41.650 cuốn vở, 126 xe đạp...
Hoạt động khuyến học - khuyến tài đã góp phần huy động 97,5% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh bỏ học thấp hơn bình quân của cả tỉnh. Cụ thể, năm 2014-2015, tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học là 0,05%, THCS 0,7%. Trong 5 năm, Lộc Ninh đã vận động được 466 học viên học lớp xóa mù chữ; 28 học viên sau lớp xóa mù chữ. Huyện đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phong trào học sinh giỏi hằng năm xếp loại từ thứ 2-4 của tỉnh.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065