BPO - Điều 17 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về đồng phạm, với nội dung như sau: Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như nội dung của điều này là chưa phù hợp, chưa chặt chẽ về câu từ và ngữ nghĩa. Đặc biệt là nội dung của Khoản 2 quy định về đồng phạm có tổ chức chưa rõ ràng, chưa rõ về quy mô tối thiểu của việc tổ chức và thế nào là cấu kết chặt chẽ. Vì vậy, tôi đề xuất nên sửa Khoản 2 như sau: Phạm tội có tổ chức là hình thức phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, có tối thiểu ba người, trong đó có người tổ chức, người thực hành.
Điều 22 là những quy định về phòng vệ chính đáng, với nội dung như sau: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định ở điều này vẫn chưa rõ ràng, chưa cụ thể, dẫn đến nếu dự thảo được thông qua sẽ rất khó thực thi. Vì ngày nay xã hội phát triển, các loại tội phạm cũng có nhiều hành vi, thủ đoạn khác nhau và tinh vi hơn. Do đó, cần phải những điều luật cụ thể tương ứng đối với các hành vi phạm tội. Cụ thể là ở điều này, tôi đề xuất nên mở rộng hơn các trường hợp đương nhiên là phòng về chính đáng. Ví dụ hành vi ngăn cản, chống trả đối tượng vượt biên giới trái phép là thuộc lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, hay hành vi ngăn cản bọn lâm tặc phá rừng thuộc phạm vi lợi ích công cộng... chứ không phải của nhà nước hay cá nhân hoặc của cơ quan, tổ chức nào cả.
Tại Điều 101 trong dự thảo là quy định về mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định như sau: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định; Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Theo quy suy nghĩ của cá nhân tôi thì những quy định trong điều luật này chưa được rõ, dễ dẫn đến hiểu nhầm vì nếu chỉ áp dụng điều luật thì không biết là áp dụng khung nào? Ví dụ như ở phần cuối của Khoản 2 trong điều này có quy định như sau: Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Vấn đề là ở chỗ mức phạt ¾ của khung hình phạt nào, khung cao nhất hay khung thấp nhất? Và ở phần cuối của khoản 2 cũng trong điều này quy định:... Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. Và tương tự như trên, thì Tòa án tuyên mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định, trong khi đó điều luật quy định có khung thấp, khung cao thì biết áp dụng khung nào để lấy ½?
Hơn nữa, nguyên tắc của Luật Hình sự là tội danh phải đi kèm với khung hình phạt và trong bản án hình sự bao giờ tòa án cũng phải ghi rõ khung của điều luật. Vì vậy, với điều luật này tôi đề xuất nên sửa như sau: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu khung của điều luật được áp dụng quy định hình phạt trung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt được áp dụng cao nhất không quá 1/2 mức phạt tù mà khung của điều luật quy định.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065