Hành trình bắt đầu từ điểm khởi nguồn của con đường tơ lụa - Trung Quốc qua Mông Cổ, Ấn Độ, xuyên qua các nước Trung Á, Trung Đông... tới vùng Địa Trung Hải. Trong ảnh là cơn bão cát quét qua thị trấn Shandan ở Zhangye, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Khu vực này từng có vị trí rất quan trọng về mặt kinh tế cũng như các hoạt động truyền bá văn hóa Đông - Tây trên con đường tơ lụa.
Sa mạc Gobi từng là một phần của đế quốc Mông Cổ, nơi con đường tơ lụa đi qua.
Ốc đảo Nguyệt Nha Tuyền tại thị trấn Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Khi xưa, địa điểm độc đáo này đã là điểm dừng chân của các thương nhân khi đi qua sa mạc Gobi.
Tàn tích của thành phố cổ Giao Hà tại Turpan, thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. Giao Hà được xây dựng trên một cao nguyên có độ cao 30 m cách đây 2.300 năm, nằm trong thung lũng Yarnaz với những vách đá tự nhiên bao quanh. Đây là một địa điểm quan trọng ở phía tây con đường tơ lụa. Thành phố này bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của quân Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn dẫn đầu vào thế kỷ 13.
Một nhánh phía bắc của con đường tơ lụa sẽ đưa du khách tham quan qua miền Nam Kazakhstan. Trong ảnh là căn lều tròn của dân du mục và đài thiên văn xây dựng từ thời Liên Xô trên núi Assy Plateau. Khu vực này có độ cao khoảng 2.500 m so với mực nước biển.
Cánh đồng hoa anh túc dưới chân núi Tian Shan, ngoại ô thành phố Almaty, Kazakhstan. Theo UNESCO, Almaty là một trong những thành phố cổ nhất vùng Trung Á. Hình thành từ 1.000 năm TCN, đến thời kỳ con đường tơ lụa, Almaty đã trở thành trung tâm thương mại, thủ công và nông nghiệp. Một khách du lịch đứng ở rìa của “đồi cát biết hát” trong công viên quốc gia Altyn-Emel, vùng Almaty, Kazakhstan. Cồn cát này cao 150 mét và dài khoảng 3 km nổi tiếng bởi âm thanh mà nó tạo ra khi có gió, giống như tiếng đàn cello hay kèn bassoon.
Một người đàn ông cưỡi ngựa nhìn ra hồ Band-e-Amir, nằm trong công viên quốc gia đầu tiên của Afghanistan tại tỉnh Bamiyan. Ngoài các hồ nước tuyệt đẹp, Bamiyan còn nổi tiếng với các bức tượng Phật khổng lồ chạm khắc vào núi đá gần 1.000 năm trước đây.
Một công nhân thu thập kén trên các cành dâu tằm ở huyện Zandajan, tỉnh Herat, Afghanistan. Trong số những điểm dừng chân trên con đường tơ lụa, vùng đất phía Tây Afghanistan là nơi có truyền thống hàng nghìn năm sản xuất tơ tằm để dệt thảm - loại hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của Afghanistan. Ước tính có đến 6 triệu người tham gia trực tiếp và gián tiếp vào các công việc liên quan đến những chiếc thảm, tuy con số đã giảm mạnh những năm trở lại đây.
Một góc thành phố Osh nhìn từ núi Sulayman. Đây là thành phố lớn thứ 2 của Kyrgyzstan hiện tại. Trước đây, Osh nằm ở trung điểm của tuyến đường tơ lụa và là một thị trường lớn.
Kiến trúc nhà ở tại làng Kandovan, Iran. Những ngôi nhà này do người dân tạo nên bằng cách khoét sâu vào các khối đá ở chân đồi, núi Sahand. Tổ tiên của họ xưa kia đến vùng đất này để tìm nơi ẩn náu trước đội quân Mông Cổ hùng mạnh.
Một nhánh phía nam của con đường tơ lụa sẽ đưa du khách đến với Yazd, Iran. Vùng đất này là nơi sinh sống của cộng đồng người Zoroastri. Trong ảnh là “Ngọn tháp im lặng” đã tồn tại qua nhiều thế hệ người Zoroastri, địa điểm họ thực hiện thiên táng.
Thành phố cổ Bam, nằm ở tỉnh Kerman, Iran. Lịch sử của Bam bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 4 TCN. Thời hoàng kim của nó là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 11, khi thành phố này nằm ở ngã tư các tuyến thương mại quan trọng, trong đó có con đường tơ lụa. Bam từng được biết đến với việc sản xuất hàng dệt lụa và bông.
Những gì còn sót lại của thành phố cổ Palmyra nổi tiếng ở Syria sau khi quân đội chính phủ chiếm lại từ lực lượng ISIS năm 2016. Palmyra trong quá khứ là trung tâm thương mại quan trọng, gắn liền với sự phát triển của con đường tơ lụa. Thành phố cổ đại này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đóng góp rất nhiều vào sự phát triển du lịch của Syria. Tuy nhiên, nhiều công trình đã bị ISIS phá hủy khi lực lượng này chiếm Palmyra.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065