Huyền thoại về dòng thác
Theo tiếng Êđê, Đray Sap có nghĩa là thác khói (dray: thác, sap: khói), bởi dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối bụi nước lớn bay là là như màn sương khói. Thác Đray Sáp gắn với một truyền thuyết mà người dân địa phương kể lại rằng: Xưa kia, nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, huyền bí. Một hôm, có vợ chồng trẻ người Êđê đến đây hái rau, đào củ kiếm sống, nhưng không may người chồng bị bệnh nặng. Người vợ trẻ tên là Hmi đi vào tận rừng sâu tìm lá cây làm thuốc chữa trị cho chồng. Tuy nhiên, bệnh tình của chồng ngày càng nặng hơn. Hmi đã cắn ngón tay hút máu của mình mớm cho chồng nhưng không thắng được định mệnh. Người chồng yêu quý đã trút hơi thở cuối cùng trên cánh tay nàng. Thương tiếc chồng, Hmi khóc ròng rã nhiều ngày, đêm. Tiếng khóc của nàng vang rất xa, len lỏi khắp núi rừng làm cho chim muông không muốn đi ăn, cây cối không muốn đâm chồi nở hoa. Tiếng khóc của nàng vang vọng đến trời xanh, tới giàng. Thương tiếc cho mối tình nơi trần thế, giàng đã tạo ra dòng thác này tượng trưng cho nước mắt của nàng Hmi tuôn chảy, đồng thời để tạc vào thiên nhiên khắc ghi đức hạnh của người phụ nữ này.
Du khách Bình Phước tham quan thác Đray Sáp vào dịp cuối năm 2018
Cùng trong khu du lịch thác Đray Sáp - Gia Long, thác Gia Long gắn liền với tên vị vua triều Nguyễn, bởi khi xưa, vua Gia Long đã đến nơi đây để thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên nên thơ này. Dòng thác Gia Long không quá lớn, nhưng nước ở đây có màu xanh ngọc bích rất đặc trưng. Điểm nổi bật của khu vực thác Gia Long đó là hồ tắm tiên. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi vua Gia Long cùng các cung tần mỹ nữ tới tắm. Nước của hồ bắt nguồn từ các khe đá chảy ra, vì vậy có rất nhiều khoáng chất oxít bạc có lợi cho sức khỏe, là nơi thích hợp cho du khách nghỉ dưỡng.
Khu du lịch sinh thái hấp dẫn
Khu du lịch văn hóa, sinh thái cụm Đray Sáp nằm giữa tỉnh Đắk Nông. Nếu xuất phát từ Bình Phước đi theo quốc lộ 14 gặp ngã ba Cư Jut (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 20km) rẽ phải vào địa phận huyện Krông Nô, đi thẳng thêm 10km sẽ gặp cổng chào khu du lịch thác Đray Sáp. Để xuống thác, từ khu trưng bày và quản lý, du khách phải đi bộ hơn 100 bậc đá rất sâu và đứng, sau đó đi qua các bãi đá lởm chởm khoảng 150m sẽ tới khu vực thác. Nếu tham quan vào mùa mưa, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ của những thác nước lớn đổ ầm ầm tung bọt trắng xóa. Mùa khô nước cạn và trong hơn, tham quan vào khoảng tháng 4-5, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi bạt ngàn hoa rừng đua sắc thắm. Từng đàn bướm, ong dập dờn khắp nơi tìm hoa lấy mật tạo nên khung cảnh vô cùng đặc biệt. Từ trên các bãi đá, du khách có thể chụp những tấm hình lưu niệm xung quanh thác nước, hoặc bước lên cầu treo, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể quan sát được không gian rộng với dòng suối uốn lượn hai bên dãy núi điệp trùng.
Chị Nguyễn Thị Ngân, nhân viên khu du lịch cho biết, khu du lịch này do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành Đắk Nông xây dựng thành một quần thể du lịch và đã khai thác từ năm 2012. Ngoài các danh thắng tự nhiên, công ty còn xây dựng nhiều hạng mục: Khu tham quan vườn thú với nhiều loài thú quý hiếm như hổ, báo, đà điểu, linh dương đầu bò. Với đàn voi được thuần dưỡng, du khách có thể trải nghiệm với dịch vụ cưỡi voi đi tham quan thác nước. Khu khách sạn nghỉ dưỡng gồm 3 loại hình: Khách sạn nhà song lập; 12 nhà nấm (mô hình kiểu nhà nấm Nam Phi); nhà dài Êđê (dùng cho đoàn có số lượng khách đông). Trong nhà dài Êđê, du khách sẽ được nghe âm thanh của cồng, chiêng, thưởng thức và chìm đắm trong men rượu cần là đặc sản của đồng bào Tây Nguyên.
Anh Nguyễn Ngọ, quản lý khu du lịch cho biết: “Với vẻ đẹp kỳ vĩ, ấn tượng, năm 1991, thác Đray Sáp được công nhận danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 1371/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Mấy năm trở lại đây, lượng khách tới tham quan đã tăng lên. Nhiều đoàn khi đến Tây Nguyên đều chọn khu du lịch này làm nơi dừng chân. Chúng tôi đang tiếp tục cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất như lối đi, khu nhà nghỉ dưỡng cùng các dịch vụ. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, để nơi đây phát huy được những giá trị nguyên sinh của thiên nhiên ban tặng, là điểm đến lý tưởng của du khách và là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên”.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065