BP - Ngày 16-10-2015, Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo chính thức hoàn thành giai đoạn 1. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của người S'tiêng nói chung và đồng bào sóc Bom Bo nói riêng. Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Phóng viên (PV) Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về dự án quan trọng này.
P.V: Đến hôm nay (16-10), Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo hoàn thành giai đoạn 1. Xin ông cho biết các hạng mục đầu tư của dự án trong giai đoạn này?
Ông Nguyễn Quang Toản: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2441/QĐ-UBND, ngày 21-10-2010 có tổng diện tích 113,4 ha, với khái toán kinh phí xây dựng 298 tỷ đồng. Các hạng mục công trình đầu tư trong giai đoạn 1 của dự án gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế; công trình sân lễ hội và hệ thống điện, nước; nhà đón tiếp; đường giao thông trục chính và hệ thống chiếu sáng; đường giao thông nội bộ đoạn từ đường trục chính lên khu vực sân lễ hội và xuống khu vực tái định cư tại chỗ; 2 nhà dài truyền thống dân tộc S'tiêng; 4 nhà làng nghề truyền thống và 8 căn nhà cấp cho các hộ đồng bào có công với cách mạng, già làng, các nghệ nhân; điểm Trường tiểu học Xuân Hồng. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 105,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 78,1 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 27,4 tỷ đồng.
Công trình nhà đón tiếp và khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo đang trong giai đoạn hoàn thành - Ảnh: Minh Luận
Dự án có sự vào cuộc của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân đang góp sức tạo nên Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng hoàn chỉnh, là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến Bù Đăng và tỉnh Bình Phước anh hùng.
P.V: Vậy sự đồng thuận vào cuộc đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Toản: Khu bảo tồn được đầu tư xây dựng trong giai đoạn kinh tế của cả nước, trong đó có Bình Phước hết sức khó khăn. Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng, Đảng ủy và UBND xã Bình Minh. Đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Bom Bo. Bên cạnh đó, còn có sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đóng góp nguồn lực quan trọng vào việc xây dựng công trình như: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Công ty cổ phần Him Lam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)...
P.V: Trong các giai đoạn tiếp theo, khu bảo tồn đầu tư những hạng mục gì để hoàn chỉnh dự án, thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách?
Ông Nguyễn Quang Toản: Trong giai đoạn tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục được đầu tư thực hiện với các hạng mục còn lại như: cổng chào; nhà dịch vụ; các tuyến đường giao thông nội bộ còn lại trong khu bảo tồn; đập chứa nước tại khu tái định cư. Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn chỉnh dự án khu tái định cư; hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Tỉnh cũng như ngành văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Biểu tượng đồng bào sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân được hình thành từ rất sớm để phục vụ du khách - Ảnh: Minh Luận
P.V: Để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, lãnh đạo tỉnh, nhất là ngành văn hóa đưa ra những định hướng gì cho thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Toản: Trước mắt, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn để quản lý, khai thác và phát huy giá trị văn hóa của khu. Hoàn thiện các hạng mục công trình còn dang dở và chuẩn bị cho việc xây dựng giai đoạn 2. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng đề án phát triển du lịch theo mô hình homestay (du lịch xanh) gắn kết các sản phẩm du lịch trong vùng. Kết hợp với UBND huyện Bù Đăng tổ chức các sự kiện văn hóa tại khu bảo tồn nhằm quảng bá rộng rãi tới nhân dân và du khách. Xây dựng chuyên trang du lịch về khu bảo tồn trên trang website của sở, Báo Bình Phước và Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh. Hiện ngành văn hóa đang nỗ lực tôn tạo lại hiện vật xưa của người S'tiêng nhằm lưu giữ giá trị văn hóa, những kiến trúc của đồng bào.
Song song đó, ngành văn hóa tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến tặng các hiện vật truyền thống của đồng bào như ché, cồng, chiêng...; mở dịch vụ cưỡi voi ngắm cảnh; cung cấp cho du khách các sản phẩm từ làng nghề truyền thống mang đặc trưng Bom Bo từ hình thức đến chất lượng; phục vụ du khách các món ăn ẩm thực mang dấu ấn của người S'tiêng như lá nhíp, đọt mây, rau rừng, măng, heo rừng lai, gà thả vườn, canh thụt... Qua đó xây dựng không gian văn hóa của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo tạo thành tổ hợp các công trình kiến trúc hoàn chỉnh, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần vào sự phát triển du lịch và tăng trưởng chung của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065