Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã nhiều lần thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã. Năm 1986, cả nước chỉ có 431 đơn vị hành chính cấp huyện và 9.657 cấp xã, đến nay lần lượt là 713 và 11.162, bình quân mỗi năm tăng gần 50 đơn vị hành chính cấp xã. Việc chia tách đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã đạt một số kết quả tích cực như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới hành chính này đã phát sinh nhiều bất cập, như: Bộ máy nhà nước phình to, sự cồng kềnh về đội ngũ cán bộ quản lý và tăng biên chế. Theo đó, việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện hoạt động... đã tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Quá trình chia tách đơn vị hành chính đã gây ra những khó khăn trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô. Bởi địa giới hành chính cấp huyện, xã nhỏ hẹp sẽ tạo sự manh mún và mất đi các thế mạnh đặc thù của từng địa phương. Đặc biệt, theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, cả nước có 259 đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng (khóa XII) yêu cầu đến năm 2021 sắp xếp các đơn vị cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn; từ năm 2022-2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định.
Năm 1997, tỉnh Bình Phước được tái lập với tổng diện tích 6.876,6km2 trên cơ sở 5 huyện phía bắc của tỉnh Sông Bé. Trong quá trình phát triển, Bình Phước được điều chỉnh thành 11 huyện, thị xã. Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh biên giới, vùng sâu, xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã hiện nay ở tỉnh ta là hợp lý. Ví như huyện Bù Gia Mập cũ được thành lập trên cơ sở 18 xã của huyện Phước Long với diện tích 1.736,17km2 và dân số gần 136.000 người. Là huyện có diện tích lớn, bị chia cắt bởi địa hình sông, núi và thị xã Phước Long nên rất khó khăn cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, sự quản lý của chính quyền và đi lại của người dân. Vì thế, năm 2015, huyện Phú Riềng được thành lập từ 10 xã phía nam của huyện Bù Gia Mập. Sau khi chia tách, cả 2 huyện Phú Riềng và Bù Gia Mập đã có những bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc chia tách này đã tạo điều kiện thuận lợi trong thông thương hàng hóa, đi lại của người dân và xóa bỏ khoảng cách vùng miền trong phát triển kinh tế. Vì vậy, dự thảo của Bộ Nội vụ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021 là yêu cầu cấp thiết nhưng cần được nghiên cứu kỹ và có bước đi thận trọng, bài bản theo đặc thù của từng địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065