Đầu tháng 4 vừa qua, chị N.T.B.P nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Lý do mà chị P đưa ra là người chồng bị bệnh tâm thần đã nhiều năm nay và thường xuyên đánh đập vợ con. Tuy nhiên, lý do mà chị P xin ly hôn lại cũng là lý do mà tòa án không chấp nhận đơn của chị, vì: Hiện tại chồng chị P (anh N) đang bị bệnh tâm thần - mất năng lực hành vi dân sự nên không thể giải quyết; đến khi nào anh N khỏi bệnh thì tòa sẽ thụ lý giải quyết.
Nếu xét dưới góc độ tình cảm thì cuộc hôn nhân giữa anh N và chị P đã không thể đạt được mục đích ban đầu. Bởi theo phong tục và tập quán của người Việt Nam thì người chồng - người cha theo lẽ là trụ cột trong gia đình, có trách nhiệm lo lắng, bảo bọc vợ con. Vậy mà đã từ nhiều năm nay, anh N bị bệnh tâm thần, mỗi khi điên loạn anh N lại thường xuyên đánh đập mẹ con chị P. Như vậy, không những bao nhiêu gánh nặng của gia đình đã trút lên vai, mà chị P còn bị hành hạ. Vì thế chị muốn thoát khỏi bế tắc này nhưng lại không thể.
Còn xét về lý, việc từ chối giải quyết ly hôn cho chị P của tòa án là hoàn toàn không trái với pháp luật. Bởi tại Khoản 4, Điều 57 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 có nêu rõ: Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Chính vì vậy, họ không thể tham gia vào các vụ án dân sự nếu không có sự tham gia của người đại diện. Vì với một người đã không thể nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình thì làm sao có thể ra tòa để trình bày mong muốn, nguyện vọng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình được.
Và cái khó thứ hai đối với chị P trong vụ án xin ly hôn này là việc xác định giám hộ. Bởi theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành thì có 2 loại đại diện là theo ủy quyền và theo pháp luật. Nhưng với một người đã mất năng lực hành vi dân sự thì hoàn toàn không thể có khả năng ủy quyền cho bất kỳ ai làm người đại diện cho mình. Chính vì vậy, người giám hộ của họ cũng sẽ là người đại diện theo pháp luật cho họ. Nói cách khác là chỉ cần xác định được người giám hộ thì có thể đưa vụ án này ra giải quyết. Tuy nhiên, đây chính là nút thắt mà các cơ quan chuyên ngành vẫn chưa tìm ra được cách tháo gỡ. Vì lẽ việc xác định người giám hộ cho người bị bệnh tâm thần trong vụ án ly hôn vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Theo quy định tại Điều 62 trong Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự như sau: Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ. Như đã nói ở trên, người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật cho người được giám hộ khi tham gia các giao dịch dân sự và phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ theo quy định tại Khoản 4, Điều 67 Bộ luật dân sự 2005. Khi đã xác lập quan hệ hôn nhân, trở thành vợ chồng của nhau thì việc vợ hoặc chồng đứng ra làm người giám hộ để bảo vệ quyền, lợi ích cho người còn lại là điều đương nhiên bởi giữa họ có sự ràng buộc cả về nhân thân và tài sản.
Tuy nhiên, đối với vụ án ly hôn của chị P thì quy định này sẽ không được áp dụng, vì lúc này vợ và chồng đang muốn cắt đứt “sợi dây ràng buộc” đó và họ đứng ở hai địa vị pháp lý hoàn toàn khác nhau. Một bên là nguyên đơn còn bên kia là bị đơn và hai người này đang đối lập nhau về quyền và nghĩa vụ. Nếu để vợ hoặc chồng đại diện cho người còn lại tham gia vào vụ án ly hôn thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại, như quyền nuôi con, quyền về tài sản chung cũng như việc phân chia các loại tài sản của hai người... Trong khi đó, tâm lý chung là ai cũng muốn phần lợi nhiều hơn thuộc về mình. Hơn nữa, trong trường hợp cụ thể của chí P và anh N mới chi có với nhau một người con, nhưng mới 4 tuổi. Vì vậy, con của chị P không thể là người giám hộ kế tiếp theo pháp luật.
Để tháo gỡ nút thắt này, có một số ý kiến cho rằng chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã, phường, thị trấn nơi người bị mất năng lực hành vi dân sự cư trú có thể cử người giám hộ cho người đó. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tất cả những trường hợp này chỉ có thể được áp dụng khi người bị mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên - vợ hoặc chồng của người đó. Và cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc xác định người giám hộ (hay đại diện theo pháp luật) cho người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Và tất cả những quy định trên vô hình chung đã tạo thành cái vòng tròn luẩn quẩn trói buộc người vợ trong cuộc hôn nhân không đạt được mục đích. Vì vậy, rất mong các cơ quan chuyên ngành sớm có giải pháp hợp lý để chị P và những người phụ nữ khác đồng cảnh ngộ có thể thoát khỏi bế tắc.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065