Về phía người dân, có nhiều ý kiến cho rằng việc thả thiên nga xuống hồ Gươm vừa tạo không gian sinh thái thanh bình, an lành, tươi đẹp và sẽ có nhiều người, nhất là trẻ em biết được loài thiên nga là như thế nào. Trong khi đó lại có người cho rằng việc làm này không hợp lý, bởi hàng ngàn năm qua hồ Gươm đã gắn liền với biểu tượng rùa vàng, giờ “cụ” rùa mất đi lại thả con vật có nguồn gốc từ phương Tây là không phù hợp.
Cho dù những con thiên nga đã được dời đi khỏi hồ Gươm, nhưng những ý kiến trái chiều của các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử lại khiến cộng đồng bối rối bởi không biết nên nghe theo ai. Trong khi giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, việc ứng xử với hồ Gươm bằng việc thả chim thiên nga là hợp lý. Bởi hồ Gươm bản chất là một thắng cảnh, thả thiên nga là để tôn lên cái thắng cảnh của hồ Gươm. Đồng tình với giáo sư Lê Văn Lan, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia sinh học cho rằng, việc thả thiên nga ở hồ Gươm về mặt sinh học là hợp lý. Trên thế giới, người ta vẫn thả thiên nga ở các hồ để làm đẹp cho các thắng cảnh.
Trong khi đó, phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức, người có nhiều nghiên cứu về hồ Gươm lại cho rằng, hồ Gươm gắn liền với các huyền thoại, với các cụm di tích lịch sử, văn hóa như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút, tháp Hòa Phong... là tấm gương phản chiếu tâm hồn người Hà Nội. Chính vì vậy, khi thả thiên nga xuống hồ sẽ làm mất đi hồn cốt dân tộc, mất đi sự tôn nghiêm và gây sự phản cảm. Bởi với những du khách chưa tìm hiểu văn hóa hồ Gươm, họ sẽ lầm tưởng hồ Gươm là hồ thiên nga. Điều này thật khôi hài, lố bịch.
Rồi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội sẽ có quyết định cụ thể về số phận của 12 con thiên nga, song vấn đề không ở việc thả chúng ở đâu. Từ ngàn đời nay, hồ Gươm là địa điểm linh thiêng của người dân thủ đô, nơi văn hóa tâm linh, nổi tiếng với truyền thuyết rùa vàng và sự tích vua Lê trả kiếm. Nếu Hà Nội là trái tim của cả nước thì hồ Gươm là báu vật linh thiêng của người dân thủ đô. Cho dù Hà Nội đã trải qua thăng trầm của thời gian với bao thay đổi, nhưng hồ Gươm - tháp Rùa - cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn vẫn mãi là biểu tượng thiêng liêng, là niềm tự hào của người Hà Nội. Tháp Rùa tượng trưng cho khát vọng hòa bình, Nghiên Bút nhắc đến nền văn vật. Chỉ với hai biểu tượng đó, hồ Gươm đã xứng đáng là trái tim của thủ đô rồi! Không chỉ là thắng cảnh tô điểm thêm vẻ xinh tươi, duyên dáng của thủ đô, hồ Gươm còn là một trong những dấu ấn tiêu biểu của lịch sử ngàn năm văn hiến đất kinh kỳ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Nhiều du khách nước ngoài cho rằng, đến Hà Nội mà không thăm thú hồ Gươm thì coi như chưa thăm Hà Nội. Bởi thế, trước khi can thiệp, tác động điều gì đó tới hồ Gươm phải rất thận trọng, không thể hùa theo ý kiến đám đông, không phải cứ đám đông thấy hay là làm được!
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065