Mùa điều năm 2016-2017, thời tiết diễn biến phức tạp, khi cây điều đang ra bông, đậu trái thì bị sâu bệnh tấn công. Nông dân quen phó mặc cây điều cho “ông trời”, còn cơ quan quản lý nông nghiệp, khuyến nông cũng chủ quan không khác gì họ. Hậu quả là sâu bệnh đã tàn phá ngành điều cả nước, riêng Bình Phước - thủ phủ của cây điều, ngành điều của Việt Nam - bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năng suất, sản lượng điều toàn tỉnh giảm gần 50% so với vụ 2015-2016. Nông dân trồng điều phần lớn chưa khá giả, thậm chí nhiều trong số đó còn khó khăn. Vì thế, chỉ qua một mùa thất thu đã khiến hàng chục ngàn gia đình lao đao. Hệ lụy của nó còn kéo sang vụ 2017-2018. Không chỉ vẫn mất mùa và gần như tất cả các vựa chưa thể phục hồi, mà chất lượng hạt điều cũng đi xuống do nội lực của cây giảm dẫn tới chất lượng hạt kém, sâu bệnh làm cho cả trái và hạt đều ảnh hưởng, tỷ lệ thu hồi nhân tại các nhà máy giảm mạnh... Sau vụ mất mùa năm 2016-2017, cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đều vào cuộc nhằm khôi phục các vườn điều và giảm thiệt hại thấp nhất đối với vụ 2017-2018. Từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến cán bộ xã, thôn, ấp đều đi thực tế tại các vườn điều, nắm chắc tình hình, cùng cơ quan chức năng giúp dân... Liên tiếp sau đó, các cơ quan chuyên môn như bảo vệ thực vật, khuyến nông tích cực tổ chức hội thảo tại vườn, hướng dẫn tại vườn, cấp thuốc tại vườn hỗ trợ người trồng điều...
Nhắc lại điều đó để thấy bài học về chăm sóc cây điều và sự chủ động trong phòng, chống sâu bệnh hại cây điều có vai trò như thế nào đối với 71.612 hộ dân - tương đương khoảng 1/3 toàn tỉnh, đang trồng 175.194 ha điều, chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm, 30,03% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Bình Phước, 50% diện tích và sản lượng cả nước. Hiện nay đang là cao điểm của giai đoạn chuẩn bị cho mùa điều 2018-2019. Thế nhưng một không khí trầm lắng, khác hẳn sau thu hoạch vụ 2016-2017 và chuẩn bị cho vụ 2017-2018. Phải chăng lãnh đạo các cấp và cơ quan chức năng ở Bình Phước nguội đi nhiệt tâm với người trồng điều? Có lẽ không phải. Bởi điều vẫn đang là cây công nghiệp chủ lực, giữ vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế nói chung của tỉnh, với hàng vạn hộ nông dân nói riêng. Và cũng không có ai lại đang tâm làm điều đó.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới thực tế như hiện nay? Liệu có phải là sự chủ quan? Có lẽ sau bài học 2 vụ điều vừa qua, đây cũng không phải và không thể là lý do. Hẳn sẽ nhiều người nghĩ tới trường hợp sai sót, sai phạm xảy ra trong quá trình hỗ trợ người trồng điều ở Bù Đăng. Nếu đúng như vậy, thì đây là một vấn đề rất quan trọng.
Với tất cả những gì hệ thống chính trị của Bình Phước đã vào cuộc, có thể khẳng định rằng sai sót ở Bù Đăng đáng xử lý thật nghiêm, song đó cũng chỉ là một lát cắt mỏng trên phạm vi hẹp, là một chi tiết trong bức tranh tổng thể. Giả sử mỗi héc ta điều giảm đi 200kg trong năng suất bình quân 1,2 tấn/ha thôi, toàn tỉnh Bình Phước sẽ mất đi 35 ngàn tấn. Với giá chỉ 30 ngàn đồng/kg, sản lượng giảm đi này tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ những gì đã nêu, có lẽ không thể và không nên vì bất kỳ lý do nào mà giảm đi tâm huyết giúp nông dân trồng điều.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065