Tham gia đối thoại còn có đại diện cơ quan chức năng của trung ương, tỉnh, huyện, thị xã, xã, phường. Việc tổ chức đối thoại cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chính quyền nói chung và lãnh đạo tỉnh nói riêng nhằm giải quyết vấn đề dân sinh. Đó cũng là minh chứng của dân chủ trong việc tháo gỡ vướng mắc khi triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ kết quả những cuộc đối thoại có sự tham gia như một hình thức giám sát của Ban Tiếp công dân Trung ương đối với cả chính quyền địa phương và người dân, cũng cho thấy rõ hơn một góc nhìn khác về dân chủ.
Tất cả khiếu nại của hộ dân đều liên quan đến đất đai và hầu hết đều đã được chính quyền các cấp nhiều lần trả lời hoặc ra quyết định giải quyết. Trong số hàng chục trường hợp, chỉ có duy nhất hộ ông nguyễn Tấn Sáng ở tổ 5, khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài là có cơ sở và được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong chỉ đạo UBND huyện Đồng Phú cùng các sở, ngành liên quan làm rõ, báo cáo UBND tỉnh xem xét. Lý do là bởi hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho ông Sáng không có giá trị pháp lý, không đúng đối tượng, không bảo đảm trình tự, thủ tục giao khoán, trong đó có trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Những trường hợp còn lại đều đã có quyết định giải quyết nhiều lần và đúng quy định của pháp luật nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu nại.
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển mạnh mẽ, đồng thời có những bước đổi mới rõ rệt trong quản lý xã hội. Sự dân chủ không chỉ được thực thi trong các cơ quan công quyền, tổ chức chính trị - xã hội mà còn lan rộng trong toàn xã hội. Thế nhưng có không ít trường hợp lợi dụng dân chủ để lấn tới, trở thành dân chủ quá trớn. Đó là tình trạng “nói càn”, “làm càn” ngày càng nhiều, thậm chí coi thường pháp luật. Điển hình như tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm không gian ở đô thị, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở nông thôn... Trong thực thi các thiết chế xã hội, tình trạng lợi dụng dân chủ để khiếu kiện kéo dài ngày càng nhiều. Trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước thì có tình trạng lợi dụng dân chủ để kích động, khiếu nại, tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ. Có người cả đời không có ý kiến đề xuất, tham mưu vấn đề gì mang tính xây dựng mà chỉ chăm chăm “canh me” đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới có vướng mắc chưa được giải quyết là nhào vô “đề nghị xử lý”.
Thời phong kiến, trước công đường thường được đặt cái trống để người dân đến đánh trống kêu oan hoặc tố cáo phạm pháp. Thế nhưng sau khi đánh trống, người đi kêu oan, tố cáo lập tức được quan phủ cho tạm giam. Việc này vừa để bảo vệ người đi tố cáo, kêu oan, đồng thời chờ kết quả xét xử như thế nào để xử lý tiếp. Nếu tố cáo đúng sẽ được minh oan, giải quyết, nhưng tố cáo sai sẽ bị phạt nặng.
Ngày nay, trình độ văn hóa và mặt bằng xã hội đã cao hơn rất nhiều nên không thể áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, cần có sự nghiêm khắc của cơ quan công quyền để bảo đảm xã hội vận động trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Không thể để dân chủ quá trớn trở nên phổ biến và tạo thành sự bất ổn trong xã hội.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065