BP - Ở đời, một người dân bình thường cũng hiểu được văn hóa ứng xử tối thiểu rằng một khi đã nói bậy, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì một lời xin lỗi là điều cần phải làm. Bởi lẽ, lời xin lỗi được xem như đã nhận cái sai về mình và cũng như đã “giải oan” cho người bị xúc phạm, để rồi xóa bỏ đi sự “hiểu lầm”. Và, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại”. Vậy mà không hiểu tại sao... không phải ai cũng nói ra hai từ “xin lỗi” thật lòng. Thậm chí lại còn có người khi không chịu nổi sức ép từ phía dư luận thì lại cố tình ngụy biện hoặc tiếp tục hành xử theo kiểu “biết sai, sửa sai chứ không nhận sai”.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu thành ngữ: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nghĩa của câu này thì có lẽ ai cũng biết, ông cha ta muốn căn dặn người đương thời cũng như hậu thế phải hết sức thận trọng trong lời ăn, tiếng nói. Nói cách khác là ai ai cũng cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi phát ngôn để tránh xảy ra trường hợp “cái miệng làm hại cái thân”. Chưa hết, người xưa còn dạy rằng “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đối với các chính khách hay những người đại diện cho dân thì điều này lại càng phải cẩn trọng hơn. Vì không thể cứ nói bừa, nói bậy, thậm chí là mạt sát nhau bằng những ngôn từ chợ búa... rồi xin lỗi là xong.
Vâng, trong cuộc sống không phải ai cũng có quan điểm nhìn nhận về một sự vật hay một hiện tượng nào đó giống nhau. Mà việc người này không đồng tình với cách nghĩ, cách nói hay cách làm của người kia là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, từ chỗ không đồng tình ấy cần phải biết nói như thế nào, diễn đạt làm sao để đi đến cái đúng, cái hoàn mỹ và được mọi người thừa nhận, khâm phục mới là điều quan trọng và nên làm. Thật đáng buồn là thực tế trong xã hội lại không xảy ra như thế, mà ngược lại có những trường hợp đáng tiếc và đã gây ra phản ứng không hay, thậm chí là bất bình từ dư luận. Cụ thể là trước và trong kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, dư luận đã thực sự sốc bởi cách hành xử của một vị đại biểu. Ông này đã viết trên blog của mình với những lời lẽ mang nặng tính cá nhân, võ đoán, mạt sát, lăng mạ đại biểu Dương Trung Quốc. Và tiếp sau đó là những phát ngôn của một số đại biểu Quốc hội trên các phương tiện thông tin truyền thông (báo, đài, internet...) rằng: Ông nghị này công kích ông nghị kia, ông nghị này quy chụp một cách “xuyên tạc” giới luật sư...
Tưởng rằng sự việc đã đi vào quên lãng, vì chính vị đại biểu viết blog nói xấu, miệt thị đại biểu khác đã rút bài viết của mình trên blog, đồng thời đích thân xin lỗi người bị bôi xấu. Nhưng thật đáng buồn là kỳ họp lần thứ 8 chưa đi được nửa chặng đường thì vị đại biểu kia lại trở chứng công kích đại biểu khác bằng những ngôn từ mà xã hội không thể chấp nhận được. Đáng buồn hơn nữa là vị đại biểu bị công kích lần này cũng là thành viên trong cùng đoàn đại biểu Quốc hội với đại biểu đã một lần công kích người khác. Và chỉ sau khi bị dư luận lên án, vị đại biểu kia mới rút bài viết trên blog của mình, nhưng không chịu nhận mình sai.
Mọi công dân đều biết rằng, đặc thù hoạt động của Quốc hội nói chung và các vị đại biểu nói riêng là tranh luận. Qua tranh luận thì chân lý, lẽ phải sẽ dần sáng tỏ để tập thể Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Tranh luận có thể diễn ra ôn hòa, có thể gay gắt. Nhưng sự gay gắt trong tranh luận, nhất là ở nghị trường không bao giờ đồng nghĩa với sự thóa mạ, hạ nhục hay làm tổn thương người khác. Ngay cả khi tranh luận về quan điểm trên trang blog cá nhân, cử tri cũng không bao giờ chấp nhận những ngôn từ mà người đại diện cho mình sử dụng để chỉ về một đại biểu khác, như: Đại ngu, tứ đại ngu, mông muội, ngu muội, một mớ hỗn độn và hỗn loạn, ngậm miệng lại - đây quả là những lời lẽ phản cảm, chợ búa để phỉ báng nhau và thậm chí còn là sự xúc phạm đến mức thóa mạ danh dự, nhân phẩm của nhau.
Và trong cuộc sống, xét ở góc độ tình cảm và đặt nó trong quan hệ đồng chí, đồng bào thì lời xin lỗi có thể được coi là xong. Nhưng nếu nhìn nhận nó dưới góc độ pháp luật thì vẫn còn đó những chế tài xử lý, dù người vi phạm là đại biểu Quốc hội. Xét về pháp luật hình sự, tại Điều 81 trong Hiến pháp 2013 có quy định cụ thể như sau: Không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Căn cứ vào quy định trên đây và xét về hành vi hành chính thì đại biểu Quốc hội vẫn phải gánh chịu chế tài do phát ngôn của mình gây ra và thậm chí còn có thể bị bắt, bị giam giữ, hoặc bị khởi tố nếu có sự đồng ý của Quốc hội, hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và trong trường hợp cụ thể này, theo suy nghĩ của tôi thì vị đại biểu có hành vi xúc phạm danh dự của đại biểu khác bằng ngôn ngữ như trên, cơ quan có thẩm quyền được phép xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của ông nghị kia mà không cần Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Vì tại điểm a, Khoản 1, Điều 5 trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 13-12-2013 về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, có quy định cụ thể như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này cũng có nghĩa là không ai được phép sống ngoài hay trên pháp luật mà phải tuân theo sự điều chỉnh của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu người dân làm sai bị xử phạt thì tại sao một ông nghị sai lại không bị xử lý? Vâng, Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, nên không ai có quyền sống trên nhân dân. Vì vậy, dư luận mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm chỉnh quy định trên, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa và làm gương cho người khác. Bởi lẽ, không ai có thể khẳng định rằng, sau lần thứ hai này thì sẽ không có lần thứ ba một vị đại biểu Quốc hội khác bị vị đại biểu kia có hành vi tương tự?
LG: Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065