BP - Trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13-7-2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Là tỉnh có địa hình đồi núi chiếm tỷ lệ lớn, Bình Phước không thể chủ quan, lơ là trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Vì vậy, các cấp chính quyền và người dân trong tỉnh cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cuối tháng 6 vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng do lũ ống, lũ quét và lở đất gây ra làm chết và mất tích 33 người, 161 ngôi nhà bị cuốn trôi hoặc bị đất đá vùi lấp, gần 3.000 căn nhà bị ngập và hư hỏng. Hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản cùng gần 15.000 con gia súc, gia cầm bị chết... ước tính thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại 315,8 tỷ đồng; Hà Giang khoảng 122 tỷ đồng, Tuyên Quang 10 tỷ đồng... Đây không phải lần đầu tiên các tỉnh miền núi phía Bắc gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra mà tình trạng này đã diễn ra thường xuyên trong vài năm trở lại đây. Hàng chục năm về trước, các tỉnh miền núi phía Bắc là vùng phên dậu của Tổ quốc với bạt ngàn rừng nguyên sinh. Những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong rừng sâu và dựa vào sản vật tự nhiên qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp, rừng núi phía Bắc nước ta là căn cứ địa cách mạng, thành lũy vững chắc chống lại kẻ thù. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới, núi rừng phía Bắc đã che chắn bộ đội, là mồ chôn hàng vạn quân xâm lược khi chúng tràn vào nước ta... Thế nhưng, rừng phía Bắc hôm nay đã bị con người tàn phá, nhiều khu rừng nguyên sinh nay chỉ còn những quả đồi trọc lóc. Rừng không còn, mưa xuống nước không còn vật cản nên đã tạo ra lũ ống, lũ quét. Khi còn rừng, rễ cây, lá mục sẽ làm nước thẩm thấu vào lòng đất và tích trữ lại thành mạch nước ngầm. Nhưng khi đồi đã bị cạo trọc thì đất đai trở nên hoang hóa, mưa xuống không có sự thẩm thấu, không vật cản và đất đai không còn sự liên kết nên gây ra sạt lở.
Bình Phước có nhiều nét tương đồng về địa hình như các tỉnh miền núi phía Bắc. Đất đồi núi ở Bình Phước chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đặc biệt, địa hình tại các huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập được phủ kín bằng đồi núi, đất đỏ bazan. Những năm trước, khi Bình Phước còn nhiều rừng thì lũ ống, lũ quét ít xảy ra. Thế nhưng, do tình trạng khai thác rừng bừa bãi cùng diễn biến phức tạp của thời tiết nên vài năm trở lại đây, tại Bình Phước đã xuất hiện lũ ống, lũ quét và lũ cục bộ ở nhiều nơi. Đặc biệt, ở 2 huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng, tình trạng khai thác đất mặt tại các quả đồi trọc đang diễn ra bừa bãi. Người dân các địa bàn này còn làm nhà ở ngay dưới các chân đồi. Trong khi những năm gần đây, Bình Phước đã xuất hiện mưa trái mùa với lưu lượng lớn và mưa dầm kéo dài rất dễ gây sạt lở đất. Vì vậy, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất không chỉ quan trọng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mà Bình Phước cũng không thể chủ quan và cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065