BP - Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng hơn 160 ngàn tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Ngoài ra còn một lượng lớn thuốc BVTV được sản xuất trong nước. Theo ước tính, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 15% lượng thuốc tiêu thụ. Như vậy, số lượng vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Các nghiên cứu cho thấy, có từ 1-2% thuốc còn sót lại trên bao bì. Vì thế, đây là loại chất thải rắn độc hại, gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng từ trước tới nay chưa có một cơ quan nào đứng ra lo việc thu gom, xử lý lượng bao bì. Người dân cũng không thể tự xử lý mà chủ yếu vứt bừa bãi ra môi trường.
Trước đây, vỏ thuốc BVTV chủ yếu là chai thủy tinh hoặc vỏ kẽm. Nhưng những năm gần đây đã chuyển sang dạng vỏ nhựa và các túi Polyethylen, là những chất có chôn xuống đất hàng trăm năm cũng không phân giải hết.
NÔNG DÂN SẴN SÀNG HỢP TÁC XỬ LÝ BAO BÌ THUỐC BVTV
Bình Phước có tiềm năng về phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái - là những loại cây cần rất nhiều thuốc BVTV. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, cuối năm 2014, diện tích điều toàn tỉnh 134.211 ha, cao su 232.023 ha, hồ tiêu 12.067 ha, cây ăn trái hàng trăm ngàn ha; chưa kể rau màu, cây thực phẩm các loại. Theo tính toán của một chủ trang trại cây ăn trái có tiếng tại thị xã Đồng Xoài, mỗi ha cây ăn trái người trồng phải chi phí khoảng 20 triệu đồng thuốc BVTV/năm. Như thế để thấy lượng thuốc BVTV tiêu thụ hằng năm trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đồng nghĩa với lượng bao bì thuốc BVTV không hề nhỏ.
Tiệm bán thuốc bảo vệ thực vật ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng - Ảnh: H.C
Trang trại của ông Ba Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long rộng khoảng 60 ha, chủ yếu trồng cao su, sầu riêng và mấy năm gần đây đang chuyển một phần diện tích sang trồng cây có múi. Ông Ba Đảo cho biết, mỗi năm trang trại của ông phải chi phí khoảng 300 triệu đồng tiền thuốc BVTV, tương đương với kinh phí chi cho phân bón. Việc xử lý bao bì thuốc BVTV ở trang trại Ba Đảo hiện nay chỉ là gom lại để đốt hoặc đổ xuống hố bom. Để tránh tình trạng người làm công vứt bừa bãi vỏ thuốc BVTV ra môi trường, ông Ba Đảo thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm đếm vỏ chai/bao thuốc sau khi phun. Ông cho biết, sẵn sàng chịu một phần chi phí nếu các công ty, nhà máy sản xuất thuốc BVTV thu gom và xử lý số bao bì độc hại này. Thế nhưng hiện chưa có công ty, nhà máy nào có chủ trương thu gom bao bì thuốc BVTV.
Trang trại cây ăn trái Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú là trang trại đầu tiên của tỉnh được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2014. Với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV. Hiện sản phẩm từ 10 ha sầu riêng, 5 ha quýt đường, 3 ha mít Thái, 2 ha bơ Mỹ của trang trại Qúy Đông chủ yếu cung cấp cho hệ thống siêu thị Co.op Mart và Công ty Aeon Việt Nam. Dẫu sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng ông Dụng Qúy Đông, chủ trang trại cho biết hằng năm vẫn phải sử dụng một lượng không nhỏ thuốc BVTV. Khi đề cập đến việc xử lý bao bì thuốc BVTV, ông Đông tỏ ra rất bức xúc khi các công ty, nhà máy sản xuất và nhập khẩu thuốc BVTV hiện chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không có trách nhiệm đối với nông dân. Theo quy trình VietGAP, trang trại của ông phải tự xử lý các loại bao bì thuốc BVTV nhưng không được đốt. Ông đã liên hệ với một công ty môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh và được yêu cầu: ngoài việc phải tự thu gom bao bì thuốc BVTV rồi chuyển về công ty này, mỗi năm trang trại của ông còn phải chi 40 triệu đồng phí xử lý bao bì. Vì thế, việc xử lý vỏ thuốc BVTV ở trang trại Quý Đông hiện cũng chỉ là đốt và chôn lấp.
Một trang trại ở thị xã Đồng Xoài phun thuốc bảo vệ thực vật (ảnh lớn) và bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom (ảnh nhỏ) - Ảnh: S.H
Cách đây chừng 2, 3 năm, trên địa bàn tỉnh rộ lên thông tin một số khu dân cư có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao như ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long; xã Bình Tân, nay thuộc huyện Phú Riềng; ấp Sở Líp, xã Phước An; ấp Thanh Sơn, xã Thanh An và ấp 8, xã An Khương đều ở huyện Hớn Quản. Trong các đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri đã nhiều lần kiến nghị làm rõ nguyên nhân và ngành y tế tỉnh đã vào cuộc. Dù ý kiến trả lời của Sở Y tế không kết luận nguồn nước là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người mắc ung thư cao ở các địa phương này nhưng có một thực tế là người dân đã vứt bừa bãi vỏ bao thuốc BVTV ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí.
NHỮNG MÔ HÌNH ĐÁNG HỌC TẬP
Ông Đông cho rằng các công ty, nhà máy đã đóng 2% phí bảo vệ môi trường thì các công ty, đơn vị bảo vệ môi trường phải phối hợp cùng các đơn vị sản xuất có trách nhiệm xử lý vấn đề bao bì thuốc BVTV chứ không thể đùn đẩy trách nhiệm và bỏ mặc nông dân như thế này! |
Trước tình trạng người dân vứt bừa bãi vỏ thuốc BVTV ra môi trường mà không một cơ quan nào có trách nhiệm, ở nhiều địa phương đã hình thành các nhóm cộng đồng tự thu gom bao bì thuốc BVTV để đốt. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2010 đến nay Chi cục BVTV đã lắp đặt 338 cống thu gom tại 25 xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Cống được đặt tại vị trí thuận lợi trên các cánh đồng sản xuất lúa, rau của các xã nông thôn mới. Số lượng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV thu gom được vận chuyển về lưu chứa tại kho thuốc của chi cục để xử lý theo quy định. Tại Kiên Giang, từ năm 2012 đến nay đã triển khai chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, bắt đầu từ việc vận động người dân không vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trong quá trình sản xuất; đồng thời tạo điều kiện để nông dân thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV trên đồng ruộng đem đến nơi tiêu hủy an toàn.
Ngay tại tỉnh gần chúng ta là Bình Dương, Chi cục BVTV tỉnh cũng đã lắp đặt 60 hố thu gom rác thải thuốc BVTV, phân bón tập trung tại 5 xã điểm ở các vùng trồng lúa, rau màu, cây ăn trái, cao su. Rác thải thu gom sau mỗi vụ được mang đi tiêu hủy tại Nhà máy xử lý rác thải môi trường Bình Dương. Dự kiến đến năm 2016, Chi cục BVTV tỉnh Bình Dương sẽ lắp đặt khoảng 360 hố thu gom rác thải thuốc BVTV, phân bón tập trung trên đồng ruộng và 30 nhà chứa rác thải thuốc BVTV, phân bón lớn tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đây là những mô hình bảo vệ môi trường đáng để Bình Phước học tập.
Bảo Khanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065