Ấu dâm đang là vấn nạn khiến các bậc cha mẹ và xã hội bức xúc và lo ngại
Cách đây 5, 6 năm, tôi tham gia một dự án nhằm giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và lạm dụng, trong đó có triển khai một chiến dịch có tên là “Xây dựng một châu Âu cho trẻ em” được phát động bởi Hội đồng châu Âu dưới khẩu hiệu “1 trên 5”, ý nói cứ năm trẻ thì có một trẻ bị lạm dụng tình dục.
Để phòng tránh lạm dụng tình dục trẻ em, Hội đồng châu Âu đã phát triển một ý tưởng với mục đích giúp đỡ những bậc cha mẹ có thể nói chuyện một cách đơn giản với con mình về quyền: “Xác định ranh giới những bộ phận kín trên cơ thể” của trẻ, dạy trẻ nói KHÔNG với bàn tay động chạm vào trẻ mà trẻ thấy khó chịu, và giúp trẻ hiểu rằng, trẻ có thể nói chuyện một cách tin tưởng với những người chăm sóc cho các em.
Những ý tưởng đó gói gọn trong một quy tắc: “Không sờ vào đây” (“đây” chỉ phần cơ thể của trẻ được bảo vệ bởi quần áo lót, một số nước nói tiếng Anh gọi là “Quy tắc quần lót”).
Phụ huynh hãy cho trẻ xem video của chiến dịch dưới đây để trẻ dễ hiểu (Kiko là nhân vật tưởng tượng):
Quy tắc “Không sờ vào đây” gồm năm điểm quan trọng sau có thể giúp cha mẹ bảo vệ con mình khỏi kẻ ấu dâm:
1. Cơ thể con là của con, không ai có quyền xâm phạm
Phải dạy cho trẻ rằng: “Cơ thể của con thuộc về con và không một ai có quyền động chạm vào con nếu chưa được sự đồng ý của con." Nói với con một cách thẳng thắn và trực tiếp ngay từ khi còn nhỏ về giới tính và các bộ phận kín trên cơ thể bằng cách dùng từ chính xác để gọi tên các bộ phận đó, để trẻ phân biệt được đâu là bộ phận sinh dục và các bộ phận khác trên cơ thể. Giúp trẻ hiểu rằng: bộ phận nào bị cấm động chạm tới.
Trẻ có quyền từ chối một người khác âu yếm, ôm hôn ngay cả khi người đó là một người mà trẻ yêu mến. Dạy cho trẻ nói “KHÔNG” một cách dứt khoát và ngay lập tức với những động chạm vào những bộ phận được bảo vệ bằng quần áo lót.
2. Dạy trẻ phân biệt “Cử chỉ bình thường” - “Cử chỉ khiếm nhã”
Trẻ em thường không phân biệt được đâu là một hành động bình thường và một hành động khiếm nhã. Hãy nói cho trẻ rằng: sẽ là không tốt nếu một người nhìn hoặc sờ vào bộ phận kín của trẻ hoặc đề nghị trẻ nhìn và sờ vào bộ phận kín của người đó.
3. Dạy trẻ nhận biết “Bí mật tốt” - “Bí mật xấu”
“Bí mật” là một trong những công cụ mà các tội phạm ấu dâm thường sử dụng. Đó là lý do tại sao cha mẹ phải dạy trẻ phân biệt được sự khác nhau giữa “một bí mật tốt” và “một bí mật xấu." Tất cả những bí mật gây ra sự lo lắng, ốm đau, sợ hãi, buồn chán thì không bao giờ được giữ kín một mình, những bí mật đó cần được kể lại với một người lớn có sự tin tưởng cao (bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo, bác sỹ, cảnh sát,…)
4. Hãy đảm bảo rằng trẻ sẽ biết tìm đến ai nếu cảm thấy lo lắng, sợ hãi
Trẻ em là nạn nhân của ấu dâm thường có cảm giác nhục nhã, tội lỗi và sợ hãi. Người lớn cần tránh tạo ra những cấm kỵ liên quan tới giới tính khiến trẻ không dám chia sẻ khi bị xâm hại. Hãy đảm bảo rằng trẻ sẽ biết tâm sự với ai nếu trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi và buồn chán. Trẻ em có thể cảm nhận được những điều sai trái nên người lớn cần quan tâm tới những cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ cần phải cảm thấy an tâm khi nói chuyện với bố mẹ về những chủ đề giới tính.
Ngoài ra, cha mẹ cần giúp trẻ chọn ra những người lớn mà trẻ có thể tin tưởng và người đó có thời gian để sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ trẻ khi gặp bất an. Một trong những người được trẻ chọn phải sống cùng trẻ. Trẻ phải biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của những người này khi cần thiết.
5. Dạy trẻ phòng tránh xâm hại từ người quen và người lạ
- Phòng tránh những kẻ ấu dâm là người quen: Trong đa số các trường hợp, những kẻ ấu dâm là người quen của trẻ. Bởi vậy cha mẹ cần tìm hiểu và ghi nhớ những thủ đoạn dụ dỗ của những kẻ ấu dâm bị phanh phui. Cha mẹ nên xây dựng một quy tắc gia đình để trẻ kể lại chuyện về những ai cho quà, ai đề nghị trẻ giữ bí mật hoặc những ai đang cố gắng tìm cách để ở một mình với trẻ,…
- Phòng tránh những kẻ ấu dấm là người lạ: Dạy trẻ những quy tắc đơn giản khi tiếp xúc với người lạ - không bao giờ được lên ôtô, xe máy với một người lạ, không bao giờ được nhận quà hay một lời mời của một người lạ,…
Hãy nắm vững nguyên tắc “Không sờ vào đây” để bảo vệ cho con bạn!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065