BP - Liên tiếp những trận động đất kinh hoàng với sức tàn phá khủng khiếp đã gây thương vong, mất tích hàng trăm người và gây thiệt hại nhiều tỷ đô la trong tuần qua tại Nhật Bản và Ecuador. Riêng tại Nhật Bản, chỉ hai ngày sau trận động đất với cường độ 6,5 độ richter ở phía đông thành phố Kumamoto, gây thiệt hại lớn về người và của, đã lại liên tiếp xảy ra hơn 600 cơn dư chấn không ngớt. Sự bất thường nói trên khiến nhiều người phải lo sợ hỏi, điều gì đang diễn ra trên mái nhà chung của chúng ta?
Thực ra sự chuyển động bất thường của trái đất không phải đến bây giờ mà đã diễn ra từ nhiều năm qua. Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo và thực tế con người đã phải trả giá quá đắt. Thế nhưng vì mối lợi trước mắt, thiên nhiên, môi trường vẫn đang tiếp tục bị tàn phá. Phải rất nhiều đời sau nữa, con người cũng sẽ không thể quên trận động đất dữ dội gây ra những đợt sóng thần khủng khiếp đổ bộ vào bờ biển các nước Ấn Độ Dương ngày 26-12-2004, cướp đi sinh mạng của ít nhất 230 ngàn người. 5 năm trước, vào ngày 11-3-2011, trận động đất mạnh 9 độ richter, gây ra sóng thần dữ dội đã làm rung chuyển đất nước mặt trời mọc khi chỉ trong chớp mắt đã xóa sổ nhiều làng mạc, thị trấn và gây sự cố rò rỉ hạt nhân, khiến hàng ngàn người rơi vào cảnh tuyệt vọng. Và đúng thời điểm này năm ngoái, trận động đất mạnh 7,9 độ richter cùng hàng loạt dư chấn xảy ra tại Nepan cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người...
Không thể kể hết những trận động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt trong lịch sử mà mức độ tàn phá của nó còn kinh khủng hơn cả những cuộc chiến tranh kinh khủng nhất. Tại Việt Nam, ngoài đợt nắng hạn kỷ lục, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế thì từ đầu năm 2016 đến nay cũng đã ghi nhận ít nhất 4 trận động đất xảy ra ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - nơi mà nhiều đại biểu Quốc hội và nhà khoa học đang đặt câu hỏi, liệu hiện tượng này có liên quan gì tới công trình thủy điện Sông Tranh 2?! Trong sự thiệt hại chung do hạn hán gây ra, tính đến ngày 20-4, Bình Phước cũng đã có 32.088 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 27.565,5 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán. Ước thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 670 tỷ đồng. Như vậy, biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến mỗi người dân tỉnh Bình Phước chứ không còn là vấn đề xa xôi nữa.
Môi trường, khí hậu đã và đang là mối quan tâm của cả nhân loại, thu hút từ những cụ già vô danh hằng ngày miệt mài thu gom rác đến những người nổi tiếng thế giới. Ngay tại lễ trao giải Oscar năm 2016 tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, ngôi sao Leonardo DiCaprio (Leo) - người đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đã gây bất ngờ cho những người có mặt. Bởi thay vì những màn khoe của, khoe hạnh phúc như người ta thường thấy trên thảm đỏ Oscar, Leo đã dành nửa bài phát biểu để nói về môi trường, biến đổi khí hậu và đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt. Và chỉ cách đây ba ngày, tại trụ sở Liên hiệp Quốc ở New York (Mỹ), 171 quốc gia và tổ chức, trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đánh dấu bước đi quan trọng đầu tiên nhằm đưa những cam kết quốc tế vào hiện thực cuộc sống. Đây được coi là kỷ lục mới trong ngành ngoại giao thế giới, thể hiện mạnh mẽ sự cam kết về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Và tất cả điều đó dường như không phải là sự ngẫu nhiên.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065