Trong bản Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được Chính phủ trình Quốc hội đã quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng như sau: Từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại.
Cụ thể từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên thì tuổi nghỉ hưu vẫn tính theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu theo hướng từ năm 2016 trở đi mỗi năm tăng thêm 1 năm cho đến khi 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45%. Theo lý giải của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này đưa ra là việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tuy nhiên, ngay sau khi dự thảo được trình Quốc hội, nhiều đại biểu và trong xã hội có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên. Bởi trong lĩnh vực giao thông - vận tải, nuôi dạy trẻ, da giày, may mặc, khai thác và chế biến mủ cao su... chắc chắn không ai có thể tiếp tục làm việc được khi đã ngoài 55 tuổi đối với nữ và ngoài 60 tuổi đối với nam. Đồng thời, nếu đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có bao nhiêu kỹ sư, cử nhân càng khó có cơ hội kiếm được việc làm.
Để xử lý bài toán vỡ quỹ BHXH, có nhiều ý kiến cho rằng ngành BHXH cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, có thể tăng mức đóng góp của người lao động thêm 1-2% thu nhập. Việc điều chỉnh này so với thu nhập của người lao động là không nhiều, nhưng quỹ BHXH sẽ thu được số tiền rất lớn. Cụ thể, nếu người lao động có thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng, khi nâng mức đóng góp thêm 1% thì mỗi tháng họ chỉ phải nộp thêm 50-100 ngàn đồng hoặc 100-200 ngàn đồng khi nâng thêm 2%, nhưng họ sẽ yên tâm hơn về thu nhập khi nghỉ hưu. Thứ hai là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề cho phù hợp. Thứ ba là cơ quan BHXH phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh hơn nữa nhằm tinh giản bộ máy, nâng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí. Vì có ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến vỡ quỹ BHXH là mô hình tổ chức của cơ quan BHXH hiện nay không biết thuộc loại hình tổ chức nào: Cơ quan quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp có chức năng đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ thu và chi số tiền đã thu được cho người tham gia BHXH. Hơn nữa, bộ máy của cơ quan này quá cồng kềnh từ trung ương đến cấp huyện...
Những bất cập trên nếu được khắc phục sẽ không phải lo vỡ quỹ BHXH và cũng không cần tăng tuổi nghỉ hưu.
Văn Lâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065