BP - Điều 470 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Dự thảo Online) là những quy định về họ, hụi, biêu, phường, với nội dung như sau: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Hụi, họ, phường là một hình thức giao dịch theo tập quán hình thành từ rất lâu đời trong nhân dân ta ở khắp các vùng miền. Các cá nhân, một bên muốn huy động vốn nhanh mà không muốn tới ngân hàng bởi thủ tục phiền hà, phức tạp của nó; một bên có đồng tiền rảnh rỗi muốn sinh lãi nhưng lại không muốn gửi ngân hàng. Chính vì vậy, ở các vùng, miền thường xuất hiện hình thức chơi hụi, họ, phường. Chủ hụi là người tổ chức, quản lý, thu các phần hụi và giao cho thành viên được lĩnh hụi trong mỗi thời kỳ mở hụi cho đến khi kết thúc hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và pháp luật quy định là vậy nhưng thực tế cuộc sống từ nhiều năm nay cho thấy, việc kiện tụng liên quan đến hụi rất phổ biến, người dân ít hiểu về luật nên dễ bị mất tiền do nghĩ rằng giao dịch dựa trên tập quán nên không làm giấy biên nhận tiền. Có không ít trường hợp giao dịch trả tiền hụi triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng nhưng không lập giấy biên nhận, dẫn đến bất lợi khi kiện tụng xảy ra.
Vì vậy, tôi đề xuất nên bỏ cụm từ “theo tập quán” trong quy định cấu thành điều luật này. Đồng thời, ở điều luật này cần bổ sung thêm nội dung như sau: ...“và mọi giao dịch tài sản phải lập thành văn bản có ký xác nhận của các bên, mỗi bên giữ một bản gốc” vào ngay sau cụm từ “thực hiện theo quy định của pháp luật”. Như vậy, sau khi đã sửa đổi, bổ sung điều luật này được viết lại như sau: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật và mọi giao dịch tài sản phải lập thành văn bản có ký xác nhận của các bên, mỗi bên giữ một bản gốc. Trường hợp có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Về thời hiệu thừa kế, Điều 623 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (Dự thảo Online) có quy định như sau: Thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu chia di sản là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Từ thực tế cuộc sống trong nhiều năm trở lại đây, tôi đề nghị bỏ quy định thời hiệu về tài sản thừa kế. Vì hiện tại có rất nhiều trường hợp khi chia tài sản thừa kế trong trường hợp người có tài sản để lại không có di chúc nhưng trong đó có một phần tài sản đã hết thời hiệu khởi kiện. Chính vì thế đã tạo ra sự tranh cãi, dẫn đến bất hòa và thậm chí là mâu thuẫn và xảy ra xô xát giữa các đương sự hưởng thừa kế là anh chị em ruột, con cháu với cha mẹ, ông bà. Và quy định về thời hiệu đối với di sản thừa kế như trên là không đúng với tinh thần của Điều 102 Hiến pháp. Tại Khoản 3, Điều 102 của Hiến pháp có quy định như sau: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, tôi đề xuất trong nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này nên bỏ ngay thời hiệu với tài sản thừa kế.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065