* Điều 41 trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là những quy định về trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, nội dung của điều này như sau: 1. Chính phủ tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì giúp Chính phủ trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì giúp ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 3. Bộ Quốc phòng tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; Bộ Công an tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh. 4. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Chính phủ.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì những quy định có liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch cấp huyện cần được loại bỏ. Vì, việc quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, xã là không cần thiết, không phù hợp. Hơn nữa, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được thể hiện rõ ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh. Nếu thêm vào đây là cấp huyện, cấp xã cũng được thực hiện theo quy hoạch, thì chỉ thêm tốn ngân sách nhà nước mà hiệu quả không cao và trùng lặp. Đối với cấp huyện, xã nên quy định rõ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt là chuẩn.
* Điều 46 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về việc công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, với nội dung như sau: 1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày, kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 2. Cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp tại trụ sở cơ quan và trên phương tiện thông tin đại chúng. 3. Việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được thực hiện trong suốt thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hiệu lực.
Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trong dự thảo luật là đúng, nhưng chưa đầy đủ và còn vô tình tạo kẽ hở cho đối tượng xấu lợi dụng. Cụ thể là tại nội dung của cả 3 khoản trong điều này đều có quy định về trách nhiệm phải công khai quy hoạch đất đai của UBND cấp huyện và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu chỉ có công khai không thì chưa đủ, mà cần phải có minh bạch trong quy hoạch rồi mới công khai.
Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất ý kiến là trong tất cả các khoản của điều này đều phải bổ sung cụm từ “minh bạch” vào sau cụm từ “công khai”. Vì vậy, điều 46 được viết lại như sau: 1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai, minh bạch trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày, kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 2. Cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm công bố công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp tại trụ sở cơ quan và trên phương tiện thông tin đại chúng. 3. Việc công bố công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp được thực hiện trong suốt thời gian quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hiệu lực.
* Điều 95 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là quy định về những trường hợp sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận. Theo đó, nội dung của Điểm k, Khoản 1 của điều này có quy định như sau: 1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận cho những trường hợp sau đây trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này:...k) Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại giấy chứng nhận bị mất. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên đối với trường hợp giấy chứng nhận là đúng. Vì trong thực tế cho thấy, ở những vùng nông thôn, vùng núi và vùng dân tộc thiểu số, điều kiện cũng như ý thức bảo quản các loại giấy tờ của người dân còn thấp. Do đó, việc thất lạc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, nếu trong dự thảo luật chỉ quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp giấy chứng nhận bị mất, bị thất lạc... thì chưa ổn và không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cụ thể là hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân tuy đã được cấp giấy chứng nhận, nhưng do bảo quản không cẩn thận dẫn đến có nhiều trường hợp giấy chứng nhận bị ố, bị nhòe, thậm chí còn bị rách hoặc bị bám bẩn không thể đọc được nội dung. Và những trường hợp có giấy chứng nhận như vậy sẽ bị các ngân hàng từ chối cầm cố, thế chấp để vay vốn. Vì vậy, ở điều này tôi đề xuất cần bổ sung thêm một khoản với nội dung quy định theo hướng cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp giấy chứng nhận bị ố, bị nhòe, bị rách, bị mờ chữ không thể xác định rõ những thông tin trên giấy.
Tuấn Anh (Bù Đăng)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065