Một ngày kia, cô gái bối rối chặn tôi lại: “Dì ơi nhà dì có cần người giúp việc không, cho cháu làm với”.
Cô trở thành người dọn dẹp nhà cửa cho tôi, mỗi ngày hai tiếng. Nhìn hai mẹ con là có thể đoán ra hoàn cảnh của cô rồi. Nhưng, cô lỡ dại với ai là một thắc mắc của cả xóm. Có người nói bà chủ không sợ có ngày có người kéo tới đánh ghen ồn ào nhà mình hay sao? Bà chủ lắc đầu, từ ngày cô tới trọ không thấy bóng dáng người đàn ông nào, chỉ duy nhất mẹ cô lui tới mà cũng lén lút vì người cha nghiêm khắc của cô đã tuyên bố từ con. Nhà làm nông cũng chật vật nên người mẹ chẳng giấu diếm được nhiều tiền để lén cho con gái.
Có lần tôi hỏi: “Cháu có định học nghề gì đó không?”, cô bẽn lẽn: “Dạ cháu đợi em bé được hai năm bỏ bú rồi mới tính”. Vậy đó, cho dù rất khó khăn nhưng cô cũng quyết nuôi con đúng theo lời khuyên của bác sĩ, cho con bú đủ hai mươi bốn tháng. Cô xin công việc dọn dẹp cho các nhà trong xóm để tiện gần gũi chạy lui chạy tới nhìn ngó đứa con nhỏ. Tôi nhận ra cô không hoảng hốt hoang mang trong tình cảnh rất khó khăn của mình, nhất là khi có mấy người đàn ông trong khu trọ buông lời trêu chọc, cô chỉ lặng lẽ đóng cửa lại.
Thông cảm với hoàn cảnh của cô và nhận ra cô không để cuộc đời mình trượt dốc vì sự lỡ dại, tôi thường tặng em bé thực phẩm và sữa hộp, nhiều khi đi chợ mà gặp áo quần con nít dễ thương tôi cũng mua cho bé.
Bà mẹ ra thăm khi cô đang dọn dẹp ở nhà tôi. Bà than thở con gái mình rất cứng đầu, hồi cái thai mới nhú, nhà bên kia tỏ ra có trách nhiệm muốn xin cưới hỏi đàng hoàng nhưng chính cô từ chối. Thật đáng kinh ngạc. Rồi tôi tự đoán, có lẽ chàng trai kia đã nói những lời mà cô không thể quên được. Đàn ông trong trường hợp này, khi mất bình tĩnh, thường lỡ thốt những câu như “Em dễ dãi với tôi thì cũng dễ dãi với người khác”. Quả là khó quên những câu kiểu như vậy. Nhất là đối với một cô gái dám sinh con và quyết định cho con bú đủ hai mươi bốn tháng trong khi một thân một mình nuôi con.
Được một thời gian thì cô chuyển đi nơi khác. Tôi muốn hỏi cô đi đâu nhưng rồi thấy cô là người kín đáo nên tôi chỉ chúc cô được may mắn ở nơi mới. Bốn năm trôi qua, một ngày kia con gái gọi điện thoại nhờ tôi đón con ở nhà trẻ giùm, tôi tình cờ gặp lại cô, đang là cô giáo lớp mầm ở đó.
“Con của cháu đâu rồi?”, tôi hỏi. Cô cười, nụ cười tươi hơn xưa rất nhiều: “Dạ hôm nay ông bà ngoại đón về nhà chơi, ba cháu hết giận cháu rồi dì à”. “Vậy còn ba nó thì sao?”. Tôi buột miệng hỏi. Cô lắc đầu: “Người ta lăng nhăng lắm dì à. Lỡ có bầu rồi cháu mới biết người ta cùng lúc đó còn có một cô khác nữa. Cháu sợ cưới xong rồi thì cũng ly hôn vì cái tính đó nên thôi, thà khổ một lần”.
Cô là người không dễ thổ lộ, tôi biết, nhưng cô không kìm được, đó là lần đầu tiên tôi thấy cô chảy nước mắt: “Trong nhà trẻ này có một đứa là con của người ta đó dì, mà cũng không cưới hỏi. Mỗi lần nhìn đứa nhỏ, cháu còn buồn hơn là hồi đó cháu mới sinh em bé. Cháu chỉ biết cố gắng phần cháu thôi, nhưng phần của người khác thì cháu biết làm sao hả dì? Cháu chỉ sợ con của mình mai mốt lớn lên lỡ gặp trúng anh chị em cùng cha với mình mà không biết”.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065