Đại tá Vũ Tiến Điền, Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
BP - Gần đây, trên mạng xã hội đăng tin, phát tán một số video, bài viết về hiện tượng bộ đội đánh nhau. Sau những video, bài viết này là hàng ngàn chia sẻ, bình luận không tốt, làm xấu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân và đặt ra nhiều nghi ngờ, băn khoăn trong dư luận. Điều đặc biệt là hầu hết các thông tin này chỉ đưa hình ảnh, không có danh tính đơn vị, quân nhân, cố tình tạo sự mơ hồ, lẫn lộn cho người xem.
Từ hiện tượng nêu trên, là lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội, chúng tôi xin đưa ra một vài nhận định như sau:
Trước hết, phải khẳng định rằng, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều lệnh, kỷ luật Quân đội nhân dân Việt Nam không cho phép những hiện tượng nêu trên xảy ra ở tất cả đơn vị trong toàn quân. Trong điều lệnh quản lý bộ đội chỉ có các hình thức xử phạt là: khiển trách, giữ tại trại trong ngày nghỉ, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân; nếu nặng thì truy tố trước pháp luật chứ không được dùng nhục hình hoặc lăng mạ cán bộ, chiến sĩ. Việc quân phiệt với chiến sĩ dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật và đều xử lý nghiêm túc, triệt để, không khoan nhượng.
Tiết mục múa dân vũ của chiến sĩ Tiểu đoàn bộ binh 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh trong chương trình văn nghệ phục vụ buổi họp mặt thân nhân chiến sĩ mới tại đơn vị
Thứ hai, hiện nay trên thị trường, hàng giả, hàng nhái quân trang của quân đội được bày bán rất nhiều và vì sự tiện ích của giường sắt quân đội, việc nhái hàng sản xuất loại giường này để dùng cho các khu nhà trọ cũng không phải ít. Từ đây, có thể nói không loại trừ có kẻ xấu đã cố tình dàn dựng cảnh một số đối tượng mặc quân phục nhái bộ đội ở trong các nhà trọ có giường sắt giống nơi ở của bộ đội trong doanh trại để quay phim, chụp hình, sau đó phát tán trên các trang mạng xã hội nhằm bôi nhọ hình ảnh quân đội. Nhưng cho dù thế lực thù địch dựa vào các sự việc, hiện tượng tự họ tưởng tượng ra hay từ những hiện tượng bình thường mà thổi phồng, bôi nhọ quân đội thì hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” suốt đời hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân kể cả trong chiến tranh và thời bình đều không thể xóa nhòa trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Thứ ba, quân nhân cũng là một công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quân đội là một xã hội thu nhỏ. Điều đó có nghĩa là cũng sẽ có những mâu thuẫn nhỏ xảy ra trong quá trình học tập và công tác, khi nóng lên có lời qua tiếng lại cũng là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, sau đó thì đồng đội lại sống chết có nhau. Nói như vậy có nghĩa là các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội không bao giờ ủng hộ những hiện tượng đó. Mọi trường hợp nếu vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật Nhà nước và kỷ luật quân đội tùy theo tính chất nặng hay nhẹ của lỗi phạm. Trước hết, những người vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật, sau đó tùy theo tính chất lỗi phạm mà lãnh đạo, chỉ huy các cấp cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để quân nhân trong đơn vị mình vi phạm. Từ cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội, thậm chí nếu nặng thì đến cả cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đều phải chịu hình thức kỷ luật nếu để các vụ việc vi phạm xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Có như thế mới thực hiện tốt được tính tự giác, nghiêm minh trong việc chấp hành kỷ luật của quân đội, để thực sự có “kỷ luật sắt”.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tại ngũ tại các đơn vị, mọi quân nhân đều được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quản lý, giáo dục, rèn luyện về mọi mặt một cách nghiêm túc để tạo ra những con người phát triển toàn diện, có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân dân thường đánh giá: Quân đội là trường đại học tổng hợp, bởi môi trường này sẽ đào tạo ra những con người có bản lĩnh, kiên cường vượt qua mọi thử thách. Chẳng thế mà ở một số gia đình và địa phương (ở đây chỉ nói một vài hiện tượng), nếu con em mình ham chơi, lười học, thậm chí có trường hợp cha mẹ khuyên bảo, dạy dỗ không nghe lời hoặc cá biệt có những thanh niên quậy phá, gia đình thường nghĩ ngay đến việc gửi con em mình vào quân đội. Những câu chúng ta thường được nghe đối với những trường hợp này là: “Cho nó đi bộ đội để rèn luyện” hay “Cho nó vào bộ đội để cứng cáp”... Là lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội, chúng tôi cũng rất mừng vì nhân dân vẫn rất tin tưởng vào quân đội và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” còn mãi in đậm trong lòng nhân dân, là hình ảnh đẹp không thể phai nhòa trong tâm trí nhân dân.
Thứ năm, thực tế đã chứng minh rất rõ rằng: Một thanh niên đã được rèn luyện trong quân đội và một thanh niên chưa qua quân đội thì có nhiều điểm khác nhau về bản lĩnh và sự kiên định ở các tình huống cần xử trí trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, một thanh niên nhập ngũ vào quân đội được các đơn vị giáo dục rèn luyện mọi mặt, từ lễ tiết, tác phong, điều lệnh, xưng hô, chào hỏi, nội vụ vệ sinh đến việc trang bị đầy đủ kiến thức từ chính trị, quân sự, kỹ chiến thuật, sử dụng các vũ khí trang bị, rèn luyện thể lực, tăng gia sản xuất, tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... giúp quân nhân phát triển về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị trong tình hình mới.
Thứ sáu, trong quá trình tại ngũ, thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trong quân đội, ngoài học tập, huấn luyện, công tác thực hiện các chức năng trong quân ngũ, quân nhân còn được tạo mọi điều kiện tham gia hoạt động các phong trào, được giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao phát triển thể chất, phát huy năng khiếu... Đối với số chiến sĩ chưa có bằng lái xe A1 (bằng lái xe môtô) còn được các đơn vị tạo điều kiện cho đi học, thi. Nhiều năm nay, 100% chiến sĩ ở các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đều được học và thi bằng lái xe. Bên cạnh đó, các chi, đảng bộ ở các cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên quan tâm, giáo dục và tạo mọi điều kiện để quân nhân phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng trở thành đảng viên. Hằng năm, trong lực lượng vũ trang tỉnh đã kết nạp hàng chục đảng viên là chiến sĩ tại các đơn vị, tăng thêm lực lượng lãnh đạo cho đơn vị và làm nguồn cho địa phương sau khi xuất ngũ.
Khi quân nhân chuẩn bị xuất ngũ về địa phương, các đơn vị đã chủ động liên hệ với trung tâm dạy nghề tổ chức hướng nghiệp và tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ được học nghề miễn phí. Đặc biệt, các cơ quan, xí nghiệp luôn tạo mọi điều kiện nếu bộ đội xuất ngũ có nhu cầu vào làm việc, bởi đây là nguồn nhân lực có ý thức kỷ luật tốt.
Từ đó cho thấy, không thể chỉ nghe, thậm chí có khi là từ một vài cảnh dàn dựng của một vài cá nhân mà một số người đã lợi dụng các trang mạng xã hội phát tán video, bài viết nhằm bôi xấu hình ảnh quân đội. Thực tế đã chứng minh từ trước cho tới nay và mãi sau này, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn là hình ảnh đẹp nhất, trân trọng nhất trong lòng nhân dân. Cho dù các thế lực thù địch có tìm mọi cách để thổi phồng, bôi nhọ nhưng thực tế vẫn là thực tế, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn là những con người kiên trung, sẵn sàng hy sinh cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
V.T.Đ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065