Theo Bộ Tài chính, tình hình nợ đọng thuế những năm qua vẫn còn cao, nhiều khoản không thu hồi được đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đầu tư xây dựng đất nước. Theo thống kê, năm 2015 tổng tiền nợ đọng thuế cả nước là 76.452 tỷ đồng nhưng chỉ thu được khoảng 38.000 tỷ đồng; năm 2016 số nợ thuế 77.283 tỷ đồng, chỉ thu được gần 40.050 tỷ đồng; năm 2017, số nợ thuế 73.145 tỷ đồng, chỉ thu hồi được khoảng 44.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2018, nợ đọng thuế cả nước gần 83.000 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được 25.382 tỷ đồng...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thất thu thuế, trong đó có nguyên nhân do chính sách, pháp luật về thuế ở nước ta còn thiếu tính nhất quán và đồng bộ, dẫn đến tình trạng làm giả hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn, lách luật để trục lợi. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa đủ sức răn đe. Chưa có quy định, tiêu chí về xóa nợ như các khoản tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hằng năm và các trường hợp khác... dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn thuế, giả thua lỗ, gian lận trong kê khai tài chính, báo cáo thuế, giải thể, đóng cửa tạm thời... để trốn thuế.
Tại Bình Phước, tính đến hết tháng 11-2018, tổng nợ đọng thuế là 1.283 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu 246 tỷ đồng, không có khả năng thu 1.030 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có không ít doanh nghiệp đang thực sự khó khăn về tài chính, không còn khả năng nộp thuế, hoặc đã giải thể... Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít trường hợp chây ỳ nên việc thu hồi thuế rất khó khăn. Trong năm 2018, ngành thuế Bình Phước đã thực hiện cưỡng chế 1.002 doanh nghiệp với tổng thuế nợ phải thu 267 tỷ đồng. Trong đó, ngành thuế đã sử dụng biện pháp trích tài khoản 910 lượt doanh nghiệp với số tiền 233 tỷ đồng; ra 80 quyết định thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với 33 tỷ đồng và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 12 đơn vị để thu nợ 6 tỷ đồng.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, rất cần có một nghị quyết về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể... Tuy nhiên, để tránh tình trạng “huề cả làng” trong việc xóa nợ đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản... thì cần phải xây dựng bộ tiêu chí, quy định rõ ràng về đối tượng, tỷ lệ và nguyên nhân xóa nợ trên cơ sở công khai, minh bạch. Nếu không, những đối tượng cơ hội, chây ỳ, gian lận tài chính sẽ lợi dụng kẽ hở trong việc xóa nợ để lách luật trốn thuế. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất việc ban hành nghị quyết về vấn đề này; đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo thẩm tra, rà soát chặt chẽ, không để các quy định này bị lợi dụng để chây ỳ, trốn thuế.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065