Thông tin này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Trên các diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ bày tỏ niềm vui sẽ giảm phiền hà, mà còn khẳng định niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới.
Năm 2018, trong nghị quyết đầu tiên, Nghị quyết số 01/NQ-CP ban hành ngày 1-1, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% ĐKKD hiện hành. Trước đó, tính đến ngày 22-12-2017, mới có 5 bộ đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý... Vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ Công Thương đã vượt lên chính mình, gạt bỏ lợi ích cục bộ, là bộ tiên phong đi đầu trong cắt bỏ thủ tục hành chính, trong đó đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD là minh chứng rõ nhất.
ĐKKD là một loại “giấy phép con” cơ quan chức năng đặt ra để quản lý doanh nghiệp. Đây là một trong những gánh nặng và gây ra nhiều phiền toái nhất cho doanh nghiệp thời gian qua. Đơn giản là thiếu hoặc thực hiện không đúng theo giấy phép con ấy thì sẽ bị phạt, thậm chí bị thu hồi hoặc không cấp giấy phép kinh doanh. Lâu nay cộng đồng doanh nghiệp thường nói cơ quan chức năng nước ta “nghiện quản lý”. Phía sau câu nói đùa ấy là sự chua chát của doanh nghiệp. Bởi điều đó tạo thêm kẽ hở cho nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực, góp phần làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Với một Chính phủ kiến tạo, điều đó còn làm biến chất quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Nhà nước không những không hỗ trợ, mà ngược lại trở thành lực cản đối với doanh nghiệp.
Giấy phép con là lực cản với doanh nghiệp không phải chuyện mới, được các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp phản ánh từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chỉ đến khi kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo theo doanh nghiệp trong nước chồng chất khó khăn, vấn đề này mới được quan tâm nhiều hơn. Từ Trung ương đến địa phương, cụm từ “gỡ khó cho doanh nghiệp” xuất hiện nhiều hơn trong suy nghĩ cũng như hành động của lãnh đạo và cơ quan chức năng.
Đã có thời điểm để kiểm soát tình hình, Chính phủ quy định chỉ có Chính phủ mới được ban hành ĐKKD. Nhưng sau đó, các bộ, ngành vẫn ban hành ĐKKD thuộc lĩnh vực mình quản lý và dẫn tới “nở rộ” như bây giờ. Vì thế, không phải không có lý khi có ý kiến cho rằng thay vì tuyên dương, lẽ ra Bộ Công Thương phải bị phạt vì đã “đẻ” ra quá nhiều ĐKKD, gây bao khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, nay phải khắc phục.
Thực tế còn cho thấy, số lượng không quan trọng bằng chất lượng ĐKKD được lược bỏ. Nếu chỉ đơn giản gộp 2 ĐKKD lại thành 1, gộp các gạch đầu dòng lại thành một đoạn hoặc lược bỏ những quy định hiển nhiên... thì việc giảm đi cũng không đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, cho xã hội. Quan trọng là việc cắt giảm có thực chất, có tạo điều kiện thuận lợi, có gỡ khó cho doanh nghiệp hay không, đặc biệt là hệ thống quy định hành chính về kinh doanh có được cắt giảm theo hay không. Bởi cắt giảm ĐKKD mà không đi kèm cải cách quy định hành chính thì nảy sinh nguy cơ “bỏ giấy phép con, đẻ giấy phép cháu” như trước giờ thì cũng như không!
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065